Giám sát “thân hữu”
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn hỏa tốc số 4035/BGTVT - KCHT gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty Hoàng Minh về kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và hợp đồng của Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia.
Tại Công văn số 4035, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ các quy định pháp luật có liên quan, Quy chế phối hợp số 132/QCPH-BGTVT-UBND TP.HCM ngày 11/1/2018 giữa Bộ GTVT và UBND TP.HCM và Hợp đồng ký kết với Công ty Hoàng Minh, tiến hành kiểm tra, xác minh và yêu cầu Công ty Hoàng Minh báo cáo giải trình đầy đủ các nội dung nêu tại Văn bản số 1309/UBND-ĐT ngày 29/4/2021 của UBND TP.HCM.
“Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản báo cáo, đề xuất hướng xử lý với Bộ GTVT trước ngày 31/5/2021”, Công văn của Bộ GTVT do ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng ký nêu rõ.
Cần phải nói thêm rằng, sức ép với Cục Hàng hải Việt Nam là rất lớn nếu chiểu theo những thông tin rất đáng quan ngại liên quan đến việc triển khai Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia, do Công ty Hoàng Minh thực hiện, được UBND TP.HCM gửi Bộ GTVT tại Văn bản số 1309.
Được biết, Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia có phạm vi thi công trên vùng nước trên sông Gò Gia, đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia đến ngã ba sông Thị Vải về phía hạ lưu (tới điểm lý trình 0 km), thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và giao Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty Hoàng Minh là đơn vị thi công thực hiện nạo vét 8 bến phao (BP1, BP2, BP3, BP4, BP8, BP9, BP10, BP11) theo Hợp đồng số 19/2016/HĐNV-XHH ngày 19/4/2016 và Phụ lục số 04/PLHĐ ngày 15/7/2019, với tổng khối lượng nạo vét 2.749.794 m3. Đổi lại, Công ty Hoàng Minh được phép tận thu cát trong quá trình nạo vét các bến phao thuộc phạm vi công trình.
Dự án bắt đầu thi công từ tháng 5/2016, đến nay đã gia hạn 5 lần với thời hạn thi công cuối cùng đến hết ngày 31/12/2021.
Theo UBND TP.HCM, dấu hiệu sai phạm đầu tiên tại Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia là việc lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát không đảm bảo các quy định của Bộ GTVT.
Cụ thể, theo Hợp đồng số 19/2016/HĐNV-XHH ngày 19/4/2016 được ký với Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty Hoàng Minh có trách nhiệm lựa chọn, ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát độc lập, có năng lực để giám sát quá trình thực hiện Dự án phù hợp với quy định của pháp luật và có ý kiến chấp thuận của Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, UBND TP.HCM phát hiện, hồ sơ Dự án đến nay chưa có tài liệu thể hiện đơn vị tư vấn nói trên được Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn, chấp thuận theo quy định và có nhiều dấu hiệu không thể hiện được năng lực và tính độc lập của đơn vị này.
Theo đó, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn Bảo Lộc (Công ty Bảo Lộc) hoạt động theo Giấy phép số 0314443193, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp lần đầu ngày 5/6/2017; thay đổi lần 1 ngày 20/6/2019. Nhà thầu này có địa chỉ tại 57-59, Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Nhật Hoàng Kim, Tổng giám đốc. Công ty Bảo Lộc có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm 3 người là ông Nguyễn Đắc Cường (96% vốn điều lệ), bà Nguyễn Nhật Hoàng Kim (2% vốn điều lệ), ông Trần Trung Hiếu (2% vốn điều lệ).
Điều đáng nói là ông Nguyễn Đắc Cường cũng chính là chồng của bà Tạ Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Hoàng Minh. Công ty Bảo Lộc là đơn vị tư vấn giám sát do ông Nguyễn Đắc Cường là cổ đông sáng lập chiếm 96% vốn điều lệ, giao em ruột là Nguyễn Nhật Hoàng Kim làm Tổng giám đốc điều hành, thực hiện tư vấn giám sát cho Dự án do Công ty Hoàng Minh của vợ ông Cường thực hiện thi công.
“Điều này không đảm bảo yếu tố khách quan, giám sát độc lập ngay từ giai đoạn đầu thực hiện Dự án”, Văn bản số 1309 của UBND TP.HCM nêu rõ.
Cũng theo UBND TP.HCM, Công ty Bảo Lộc không có năng lực hoạt động, trụ sở làm việc không có nhân viên, máy móc thiết bị. Tài liệu về báo cáo thuế do Chi cục Thuế quận 1 cho thấy, từ khi hoạt động tháng 6/2017 đến tháng 6/2020, Công ty Bảo Lộc không phát sinh doanh thu (doanh thu bằng 0), không xuất hoá đơn thuế giá trị gia tăng.
Dấu hiệu “xé rào” chuyển nhượng dự án
Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia được hình thành với mục tiêu là phục vụ ghe tàu chuyển tải than đá cho các nhà máy nhiệt điện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được đưa vào khai thác trong quý II/2017 kết hợp làm khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện thủy.
Tuy nhiên, tại thời điểm UBND TP.HCM báo cáo Bộ GTVT, đơn vị thi công đã được gia hạn thi công 5 lần, kéo dài đến hết ngày 31/12/2021, nhưng mới chỉ bàn giao được 3 bến phao (BP1, BP2, BP3), còn 5 bến phao đang thi công (BP4, BP8, BP9, BP10, BP11). Khối lượng thi công trung bình hàng tháng rất ít, khoảng 20.500 m3/tháng so với khối lượng cam kết khi ký Hợp đồng là 307.572 m3/tháng.
Trong Văn bản số 1309, UBND TP.HCM cho biết, khi đối chiếu hồ sơ đề xuất Dự án với bình đồ do Công ty Hoàng Minh thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đo đạc định kỳ thực hiện tháng 7/2020 và bình đồ đơn vị quản lý tuyến luồng thực hiện để thông báo hàng hải tháng 8/2020 ở các bến phao BP1, BP4, BP10, BP11 đã ghi nhận việc một số khu vực trong bến phao có dấu hiệu khai thác vượt độ sâu thiết kế và khai thác ở những khu vực trong bến phao không cần nạo vét do đã đạt độ sâu thiết kế và cả những khu vực nằm ngoài phạm vi bến phao.
Ngoài ra, qua công tác khám nghiệm hiện trường 3 vụ sà lan chìm (vụ ngày 19/3/2019, vụ ngày 21/7/2020, vụ ngày 6/8/2020) trong khu vực thực hiện Dự án, cơ quan chức năng huyện Cần Giờ ghi nhận nhiều vị trí có dấu hiệu vượt độ sâu thiết kế. Vẫn theo UBND TP.HCM, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phát hiện và thông tin việc Công ty Hoàng Minh có dấu hiệu khai thác cát vượt độ sâu thiết kế ở 7 điểm tại khu vực thực hiện Dự án, gây thiệt hại khai thác cát tận thu vượt hồ sơ thiết kế, tạm tính khối lượng khoảng 51.750 m3, nên cuối tháng 10/2020 đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Một dấu hiệu sai phạm nổi cộm khác tại Dự án, theo UBND TP.HCM là việc Công ty Hoàng Minh đã tiến hành chuyển nhượng dự án, vi phạm nội dung hợp đồng.
Cụ thể, ngày 9/10/2020, bà Tạ Thị Kim Oanh, Giám đốc đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 100% phần vốn góp doanh nghiệp trị giá 200 tỷ đồng cho ông Huỳnh Tuấn Vũ (sinh ngày 1987, CMND số 341365287, do Công an tỉnh Đồng Tháp cấp ngày 22/3/2018, hộ khẩu trường trú: ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) và sau đó thay đổi người đại diện theo pháp luật và chủ sở hữu doanh nghiệp sang ông Huỳnh Tuấn Vũ, đồng thời thay đổi di dời trụ sở về địa chỉ: 459 - Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10. Điều đáng nói là đến ngày 29/10/2020, ông Huỳnh Tuấn Vũ lại ký hợp đồng chuyển lại doanh nghiệp cho bà Tạ Thị Kim Oanh và thay đổi chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật sang bà Tạ Thị Kim Oanh.
UBND TP.HCM khẳng định, qua xác minh, không có sự mua bán và thanh toán trên thực tế khoản tiền 200 tỷ đồng giữa ông Huỳnh Tuấn Vũ và Công ty Hoàng Minh. Cá nhân ông Huỳnh Tuấn Vũ là người không có công việc ổn định, có dấu hiệu né tránh, không hợp tác làm việc với cơ quan chức năng theo yêu cầu.
Theo UBND TP.HCM, Công ty Hoàng Minh có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và để hợp thức việc khai thác cát trái phép, Công ty Hoàng Minh đã kê khai sai, giảm số tiền thuế phải nộp cho Nhà nước, có dấu hiệu trốn thuế. Dấu hiệu vi phạm của Công ty Hoàng Minh kéo dài, sẽ tác động dẫn đến sạt lở đất và rừng phòng hộ Cần Giờ, gây thất thoát tài nguyên và tiền thuế nhà nước.
“UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét, tạm dừng thi công Dự án do Công ty Hoàng Minh thực hiện vì có những dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản trong quá trình triển khai thực hiện thi công Dự án theo quy định”, Văn bản số 1309, do ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký nêu rõ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đây là vụ việc khá phức tạp và đang yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo về những phản ánh của chính quyền TP.HCM.
“Chúng tôi sẽ có báo cáo tới Bộ GTVT theo đúng yêu cầu”, ông Việt thông tin.
Công ty Hoàng Minh hoạt động theo Giấy phép số 0305098293, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp lần đầu ngày 20/7/2007; sửa đổi, bổ sung mới nhất ngày 30/10/2020. Địa chỉ: 459 - Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, Tp.HCM. Chủ sở hữu: bà Tạ Thị Kim Oanh; Người đại diện theo pháp luật: bà Tạ Thị Kim Oanh, Giám đốc. Vốn điều lệ: 200 tỷ đồng.