Chiều 1/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Bộ Y tế vừa có quyết định cấp thêm cho TP.HCM hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca và Pfizer.
Tiêm mũi 2 cho người đã tiêm ở đợt 4, 5
Hai loại vaccine này sẽ được dùng để tổ chức tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian tiêm theo khuyến cáo. Theo đó, thành phố tập trung vào người đã tiêm vaccine khoảng 20/6 - thời điểm triển khai đợt tiêm thứ 4. Đến giờ, nhóm này đã tiêm được gần 11-12 tuần.
Ngoài ra, từ nay đến 15/9, TP.HCM sẽ triển khai tiêm cho trường hợp đã tiêm mũi 1 vào đợt thứ 5 nhưng với các vaccine có thời hạn tiêm mũi 2 ngắn hơn, khoảng 3-4 tuần.
Tại cuộc họp chiều 1/9, báo chí đặt câu hỏi về việc những trường hợp tiêm mũi vaccine thứ 2 chậm hơn thời gian khuyến cáo thì có ảnh hưởng gì không.
Ông Nam cho biết hiện chưa có thống kê về việc tiêm trễ hơn 1 tuần, 10 ngày hay 1 tháng thì như thế nào. Tất cả khuyến cáo hiện nay chỉ là tiếp cận càng sớm càng tốt. "Vaccine hiện là vấn đề toàn cầu, rất khó khăn. Chúng ta đang cố gắng có thêm nhiều vaccine để bao phủ cho người dân", ông Nam nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Chí Hùng. |
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 31/8 là 6.219.536 liều. Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.876.039, mũi 2 là 343.497; số người trên 65 tuổi và có bệnh nền đã tiêm là 683.077.
Theo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, từ 29/8 đến 31/12, thành phố đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 7.208.800 người).
Tổng số lượng vaccine thành phố cần sử dụng trong đợt này là khoảng 8.145.900 liều. Trong đó, vaccine sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều.
TP.HCM hoan nghênh doanh nghiệp tổ chức điểm tiêm
Thông tin về việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng lên cổng thông tin quốc gia, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM, cho biết đến nay, thành phố đã cập nhật thông tin của 5.300.521 trường hợp trên tổng số 6.219.536 người đã tiêm (tính đến 31/8), đạt tỷ lệ 85,22%
Sở đã có văn bản đôn đốc các đơn vị đưa dữ liệu về Sở TTTT và Sở Y tế. Dữ liệu tiêm đang được lưu trữ tại đơn vị tổ chức tiêm. Hạn chót thực hiện là đến ngày 5/9 sẽ hoàn thành toàn bộ dữ liệu vào hệ thống tiêm chủng quốc gia. Thời hạn này, sở cũng làm việc để đưa cơ sở dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung của TP.
Về kế hoạch sử dụng dữ liệu tiêm chủng để chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa sau 15/9, bà Trinh cho biết có 2 hướng.
Thứ nhất là phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để sử dụng cơ sở dữ liệu này và lên phương án sản xuất an toàn, sản xuất xanh. Như vậy, doanh nghiệp "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" có thông tin về người lao động tại doanh nghiệp đã tiêm chủng để quản lý.
Thứ hai là tích hợp dữ liệu tiêm chủng vào cơ sở dữ liệu khai báo y tế điện tử của TP. Như vậy, một cá nhân di chuyển đến đâu, khai báo y tế điện tử thì lực lượng chức năng sẽ xác định được người đó đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi.
Sở đang hoàn thiện giải pháp để trình UBND TP.HCM nhằm sử dụng dữ liệu này trong công tác phòng, chống dịch và mở rộng sản xuất.
Trong đợt tiêm thứ 4, TP.HCM đã tiêm cho lượng lớn người lao động trong khu công nghiệp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước câu hỏi về việc thành phố có chủ trương giao vaccine cho doanh nghiệp tiêm hay không, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết hiện việc tiêm chủng được giao cho các quận, huyện, phường, xã tổ chức. Doanh nghiệp chủ yếu có vai trò đứng ra tổ chức địa điểm tiêm, còn các khâu còn lại bắt buộc phải là nhân viên y tế thực hiện để đảm bảo công tác bảo quản, quy trình tiêm...
"Ngành y tế hoan nghênh doanh nghiệp đứng ra tổ chức tiêm. Trong đợt 4, thành phố đã tổ chức tiêm tại khu công nghiệp và mỗi khu chọn ra địa điểm tiêm rộng rãi, đáp ứng yêu cầu giãn cách, chống dịch thì sẽ đưa đội tiêm đến. Quan trọng nhất là tiêm chủng miễn phí hoàn toàn", ông Nam cho hay.