Trân trọng công tác điều hành, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ

Admin
Việt Nam khép lại năm 2022 với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu tăng trưởng cho thấy nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, các chuyên gia, doanh nghiệp tại TPHCM cho rằng, thành quả đó trước hết từ công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ linh hoạt, kịp thời, bám sát thực tiễn và sự quyết tâm, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả tăng trưởng đáng tự hào

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE): Sau đại dịch, trong chỉ đạo, điều hành, những chính sách của Chính phủ đưa ra và việc triển khai tại TPHCM theo tôi đánh giá là kịp thời, mang tính khích lệ và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

ong-kieu-huynh-son-1672627801.jpg
Ông Kiều Huỳnh Sơn

Cụ thể như chính sách hỗ trợ người lao động trở lại các khu vực sản xuất và thứ hai là giảm VAT từ 10% xuống 8%. Giờ nhìn lại mới thấy những chính sách này rất có ý nghĩa, đã có tác động ngay, tác động trực tiếp vào nguồn lực doanh nghiệp và sức mua.

Có thể nói việc ban hành chính sách kịp thời, phù hợp thực tiễn của Chính phủ ngay sau đại dịch chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để có được kết quả tăng trưởng kinh tế đáng tự hào của Việt Nam trong năm qua.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp sản xuất ở TPHCM, sự đồng hành của chính quyền Thành phố những năm qua đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung và ngành cơ khí, điện nói riêng rất là lớn. Trong đó có việc tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, cùng doanh nghiệp tìm kiếm các kênh xúc tiến thương mại, hay các cuộc gặp gỡ đối thoại lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Niềm tin của nhà đầu tư tăng cao

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM: Sau tác động tiêu cực từ đại dịch, có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định thị trường lao động, tiêu dùng phục hồi nhanh tạo đà cho dịch vụ, thương mại và sản xuất, đặc biệt là những tháng cuối năm, lĩnh vực du lịch và chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực.

ong-nguyen-dang-hien-1672627839.jpg
Ông Nguyễn Đặng Hiến

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh lạm phát nhiều nước trên thế giới rất cao trong khi Việt Nam duy trì dưới 4%, mức rất thấp so với thế giới. Bên cạnh đó mặt bằng lãi suất cũng được duy trì ổn định trong khoảng 10 tháng đầu năm, đây là nền tảng cho sự ổn định của nền kinh tế trong năm qua.

Sự phản hồi rất tích cực từ các doanh nghiệp, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, trước những kết quả của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài, vì sự ổn định chính trị và các chính sách điều hành vĩ mô bám sát tình hình thực tế, điều chỉnh kịp thời làm cho niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tăng cao.

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Có được kết quả này phải nói rằng các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng.

Trân trọng công tác điều hành, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Nhìn lại thời điểm tháng 9/2021, Thành phố đứng trước quyết định khó khăn mở cửa khi dịch COVID-19 còn phức tạp. Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong tình thế khó khăn chưa có tiền lệ, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ", hàng hoá và chuỗi cung ứng ứ đọng. Những khó khăn báo trước một tương lai tưởng như sẽ rất khó vượt qua.

ong-tran-viet-anh-1672627894.jpg
Ông Trần Việt Anh

Nhưng từ tháng 10/2021 đến nay, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính sách mở cửa kịp thời của TPHCM và đặc biệt là sự quyết tâm của doanh nghiệp để bước vào năm 2022 vừa phục hồi những kết quả mà năm 2021 không đạt được vừa bù lại sự tăng trưởng âm trong năm 2021 của TPHCM. Đến thời điểm này chúng ta có thể tự hào về thành quả của năm 2022, thể hiện ở sự tăng trưởng vượt chỉ tiêu của TPHCM gắn liền với tăng trưởng chung của cả nước vượt con số 8%.

Điều này chứng tỏ doanh nghiệp TPHCM có nội lực rất lớn, mặc dù giờ này năm ngoái gần như không có nhiều kỳ vọng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp rất bi quan khi không thể tái đầu tư, không còn lực lượng lao động, phải tính đến phương án giải thể.

Nhưng trải qua quý 3 quý và bây giờ những tín hiệu tốt đã rõ ràng, tỉ lệ doanh nghiệp hồi phục rất cao. Đặc biệt là những doanh nghiệp có bề dày hoạt động, có thương hiệu, có thị trường, đều khôi phục hoạt động và nắm bắt cơ hội từ thị trường thế giới.

Chúng ta chuyển trạng thái bình thường mới trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại, thị trường châu Âu và Mỹ đang thiếu hàng. Doanh nghiệp Việt khi đó trong thể trạng "người vừa ốm dậy" nhưng có ngay điều kiện để hồi phục kịp thời. Ở đây, phải trân trọng công tác điều hành, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, nhất là với một loạt chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp về bảo hiểm và thuế. Những chính sách rất kịp thời, tạo động lực cho doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu của năm 2022.

Đã có những tín hiệu tốt từ thị trường

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA): Sản xuất gỗ là một trong những ngành bị giảm mạnh đơn hàng từ quý III, cả hai mảng xuất khẩu và nội địa. Tuy nhiên trong tháng cuối cùng của năm 2022 đã có những dự báo về tăng trưởng nhà ở tại một số vùng của thị trường Hoa Kỳ, đây là những tín hiệu tốt, yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến đơn hàng đồ gỗ vào thị trường này.

Đặc biệt, hiện các đối tác đã giải phóng lượng lớn hàng tồn kho và một số nhà mua đã quay lại đặt đơn hàng mới dù số lượng không nhiều. Tôi hy vọng thời điểm này là giai đoạn ở đáy trong đồ thị tăng trưởng của ngành sản xuất đồ gỗ và cuối quý II đến đầu quý III năm 2023 sẽ bước vào chu kỳ phục hồi và bật tăng ở giai đoạn cuối năm.

ong-nguyen-chanh-phuong-1672627942.jpg
Ông Nguyễn Chánh Phương

Nhìn lại năm 2022 có thể thấy trong 3 quý đầu năm, các chính sách vĩ mô của Chính phủ đã duy trì sự ổn định của nền kinh tế nội địa. Trong khi thế giới rơi vào lạm phát thì Chính phủ điều hành giữ tỷ giá để kiểm soát lạm phát trong nước đi ngược lại với tình hình thế giới. Trước đó, năm 2021, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất "3 tại chỗ", vẫn đảm bảo đơn hàng cho các chuỗi cung ứng.

Thành công của năm 2022 còn nhờ lợi thế về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Đây là thành chúng ta xây dựng từ rất nhiều năm mà các quốc gia cạnh tranh trực tiếp không dễ gì soán ngôi trong ngắn hạn. Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2022 dự kiến cán mốc 730 tỷ USD.

Năm 2023, tôi hy vọng Chính phủ sẽ có giải pháp kiểm soát lạm phát không vượt quá 4,5%. Có như vậy mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tương ứng khoảng 8%, trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp để ổn định sản xuất và có nguồn lực tăng tốc những tháng cuối năm 2023.