Kể từ lần xuất hiện đầu tiên trong hội họa với Improvisation vào tháng 7/2022, đây là triển lãm lần thứ 4 của Bùi Chát, trong vòng chưa tới một năm.
Tuy nhịp độ xuất hiện các triển lãm được xem là khá dày đặc, nhưng mỗi lần trưng bày là mỗi lần thấy Bùi Chát là một nghệ sĩ khác, không giống như những nghệ sĩ của những lần trưng bày trước. Có lẽ Bùi Chát luôn tìm cách để làm mới mình và luôn biết cách làm khác đi để không giống ai và cũng không giống mình.
Triển lãm Bước xuống cầu thang & Tìm có thể xem là một sự thành công mới của Bùi Chát cả ở phong cách lẫn kỹ thuật. Sự chuyển động tự do không gò bó của màu sắc, cộng với bút pháp linh hoạt trong từng tác phẩm tạo nên cảm tưởng mỗi tác phẩm là một thể nghiệm, một cuộc phiêu lưu không lặp lại của tác giả
Triển lãm Bước xuống cầu thang & Tìm được kết cấu thành 2 phần: Phần 1, là tác phẩm sắp đặt có tên Bước xuống cầu thang, tạo nên bởi hơn 1.500 cuốn sách, bắt đầu từ cửa một thư viện cũ nằm trên lầu (hiện là văn phòng của một công ty kiến trúc), chạy dài đổ xuống cầu thang rồi chảy ra hai hướng: một ra phía ngoài đường, một hướng vào phòng triển lãm.
Hơn 1.500 cuốn sách này đều là sách được xuất bản chính thức tại Việt Nam. Sắp đặt này như là cách để tri ân nơi chốn (xưa là không gian thư viện, giờ là kiến trúc, mỹ thuật…); như là cách để nghĩ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), về Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4)…
Phần còn lại là Tìm, gồm 30 bức tranh sơn dầu được sáng tác từ 2019 đến 2023, với nhiều kích thước, phong cách, cũng như thể nghiệm khác nhau.
Quan tâm của Bùi Chát trong dự án này là tập trung vào mối quan hệ giữa tác phẩm và người thưởng ngoạn, và tùy thuộc vào mỗi tình huống mà vai trò chủ động trong quan hệ được hoán đổi từ vị trí tác phẩm qua người thưởng ngoạn hoặc ngược lại
Bùi Chát là một họa sĩ tự dạy. Từng theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật. Cựu thi sĩ, đã xuất bản 7 tập thơ, đồng thời là người làm xuất bản. Anh bắt đầu cầm cọ lai rai vào đầu những năm 2000, nhưng phải bỏ dở nhiều lần trước khi theo hẳn hội họa vào năm 2019. Vẽ sấp xỉ 1.000 bức tranh, nhưng phần lớn đốt hoặc xóa bỏ sau một thời gian xem lại, hiện chỉ còn giữ trên dưới 300 bức.
Các triển lãm cá nhân:
- Improvisation (7/2022)
- Những tình huống mới (12/2022)
- 32 tranh cùng khổ chín lăm mét ba (3/2023)
- Bước xuống cầu thang & Tìm (4/2023)
Các ý kiến khi xem tranh Bùi Chát:
“Marguerite Duras nói: “Khi ta lôi từ trong mình ra cả một cuốn sách…”. Có thể nói tương tự như vậy về Hội họa tình huống của Bùi Chát rằng, tác giả đã lôi cả bức tranh ra khỏi mình, nhưng không định nghĩa cả mình lẫn bức tranh. Màu sắc cứ như đập thẳng lên toile một cách thiếu chủ ý, đúng như tác giả viết, đó là “một dạng hội họa không chủ đích”. Và tác giả đang ở trong thời kỳ đầy đam mê và bị thúc đẩy một cách mạnh mẽ bởi tính không chủ đích này.
Bùi Chát đã tự vạch cho mình một con đường riêng, một thử nghiệm về ý niệm ứng biến và tình huống. Và như ta thấy trong phần lập ngôn của họa sĩ: anh đang ở giai đoạn đầu tiên đầy đam mê của một người khám phá nghệ thuật và khám phá chính mình thông qua nghệ thuật” - tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy.
“Tranh của Bùi Chát mang đầy khí lực, ẩn chứa và biểu hiện một ngôn ngữ hội hoạ nhạy cảm, mạnh mẽ và đầy tính ứng biến” - nhà thơ Lê Văn Đồng.
“Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng - đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa - và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách Lyrical Abstraction rất riêng...” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng.
“Bùi Chát không màng gì đến các thứ trường phái/chủ nghĩa đương đại... Mà ông, nội thân, bằng sự va đập dữ dội với đời sống cá thể/xã hội, đã tự động mang vác và ngụp lặn với tư duy và cảm thức đương đại ấy từ bao giờ. Cũng như bản thân ông từ hơn hai thập niên trước, khi mới bước vào chặng đường nghệ thuật đầu tiên với tư cách thi sĩ, đã “Mở miệng” và hậu hiện đại đến tột cùng. Đó là minh chứng cho những lối đi nghệ thuật đặc dị và khó lường của Bùi Chát” - nhà thơ Trần Tuấn.
“Làm nghệ thuật quan trọng nhất là hướng đi phải phù hợp với thời đại, và đúng theo tâm cảm của mình. Về tổng thể thì Bùi Chát đã làm được điều này” - họa sĩ Hà Hùng.