Triển lãm cá nhân “Vườn tâm tưởng” của Trần Văn Binh

Kỳ Văn
Triển lãm khai mạc vào lúc 18h ngày 8/7 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Triển làm là cơ hội cho những ai còn “Thương nhớ đồng quê” - chữ Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Nhật Minh ghé xem và chiêm nghiệm.
tran-van-binh-5-1657180758.JPG
Họa sĩ Trần Văn Bình. Ảnh: Trương Bách Thảo

1.

Trần Văn Binh sinh năm 1964 tại Điện Bàn, Quảng Nam, hiện sống tại quê nhà. Anh tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1985. Là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 1997 đến 2021, anh tham gia nhiều triển lãm khu vực V (Nam miền Trung - Tây Nguyên); năm 2008, tham gia triển lãm tranh sơn dầu toàn quốc tại Hà Nội; các năm 2005 và 2010, anh tham gia các triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội.

Sau hai triển lãm cá nhân năm 1993 tại TP Đà Nẵng và 1996 tại Hội An, Trần Văn Binh lui về chiêm nghiệm và vẽ. Nay, sau 26 năm, Trần Văn Binh mới chọn ra 26 tranh tiêu biểu để trình làng.

tam-thuc-sen-1657180837.JPG
Tác phẩm Tâm thức sen

Về mặt ý niệm, tranh của Trần Văn Binh có hai thực tại, chúng hòa quyện và khuất lấp vào nhau. Đó là cái miền quê mà anh gắn bó máu thịt, suốt bao nhiêu đời, chẳng thể rời xa. Đó là chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, ở giữa quê mà như xa quê, mà nhớ quê đến da diết. Nói như Bùi Giáng: “Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa”.

Về mặt sáng tạo, Trần Văn Binh cho thấy một kỹ thuật tuyệt vời và một cảm xúc dạt dào, được hun đúc dài lâu. Dường như anh tạo dựng lên một thực tại hiện thực trước, sau đó tìm cách tẩy xóa nó bằng những đường chéo đan xen, dàn trải khắp mặt tranh. Chúng tạo ra không gian đa chiều, tiếp nối, dịch chuyển, như từ miền hiện thực tìm về miền tâm tưởng, và từ miền tậm tưởng vọng về miền hiện thực. Chính điều này đã làm cho bút pháp biểu hiện-trừu tượng (abstract-expressionism) chỉ còn là cái cớ, là phương tiện của người sáng tạo.

noi-chon-yen-binh-1657180919.jpg
Tác phẩm Nơi chốn bình yên

Trần Văn Binh có hai ngôi làng, một ngôi làng ngoài thực tại và một ngôi làng trong tâm tưởng, mà đôi khi tâm tưởng còn đẹp đẽ, rõ ràng hơn cả thực tại. Khu vườn ấy không được dựng lên từ hương xa và chủ nghĩa lãng mạn, mà là sự truy vấn, tiếc nuối, phản tư với làn sóng đô thị hóa bạo liệt.

Dù rất khác nhau về ý niệm, nhưng xem tranh của Trần Văn Binh, tự dưng nhớ về cuốn “Terre des Hommes” (1939) của Antoine de Saint-Exupéry, mà Bùi Giáng dịch xuất thần thành “Cõi người ta”. Trong phút giây cận tử và hồi sinh, họ cùng tìm về cố quận của mình, nơi dù cho nhân tình thế thái đổi thay, nơi dù cho vật đổi sao dời, thì khu vườn tâm tưởng xa xưa vẫn hiển hiện rõ ràng, trìu mến, thân thương.

2.

Trần Văn Binh sống ở thị trấn Vĩnh Điện (Quảng Nam) mấy chục năm, dù bây giờ đã là thị xã, thì nơi đây vẫn khá lặng lẽ với đời sống nghệ thuật và sáng tạo. Các tác giả cũng khá lặng lẽ theo dòng thời gian ấy.

Không biết đi xe máy, mới biết dùng Facebook và E-mail..., Trần Văn Binh từ sớm đã chọn tư thế ẩn dật giữa công việc thường nhật. Và vẽ. Tranh của anh không những tiền phong về quan niệm so với bối cảnh sáng tạo nơi anh đang sống, mà trong vài văn cảnh khác của mỹ thuật Việt Nam đương thời, nó cũng mang tố chất tiền phong. Vì vậy mà, đã ẩn dật, lại càng thêm riêng tư, thậm chí hơi đơn độc.

hoi-ngo-cua-gio-1657180946.jpg
Tác phẩm Hội ngộ của gió

Lấy biểu tượng dân gian Trung bộ làm nền, anh pha trộn kỷ hà, ký hiệu với biểu hiện, và trừu tượng. Về kỹ thuật, anh thường lấy chất trắng dẻo tạo nền, sau đó là acrylic, hoặc sơn dầu, hoặc đôi khi sơn dầu “đè” acrylic.

Cá tính Trần Văn Binh cũng là một sự pha trộn. Giữa trường quy, bài bản và phá cách, buông thả. Giữa nhẹ nhàng, ẩn dật và phiêu lưu, ngao du ngầm. Nói cách khác, anh là kiểu thích ngồi một chỗ mà “ngao du ngày tháng”. Có lẽ nhờ vậy mà dù đơn độc, ít được chia sẻ về chuyên môn và thị trường, vẽ chẳng biết để làm gì, anh vẫn cứ nhẩn nha vẽ năm này qua năm khác. Tranh khô cuốn lại cất.

Nhờ nhẩn nha vẽ, trầm tư sâu lắng và thủ đắc một kỹ thuật vững vàng, tranh của anh luôn ở độ chín, đạt đến sự hấp dẫn về thị giác. Nói chung hoạ giới của anh đủ “ngon lành cành đào” cho triển lãm cá nhân lần nay. Và sau đó là những triển lãm khác, với ngôn ngữ khác và chất liệu khác.

3.

gio-nui-mua-ngan-1657180987.JPG
Tác phẩm Gió núi mưa ngàn

Về thế giới tranh của Trần Văn Binh, nhà thơ - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông nhận định: “Trần Văn Binh, theo tôi - là một trong những họa sĩ Quảng Nam đã lựa chọn một lối vẽ riêng, chẳng giống ai, từ mấy chục năm nay. Cũng như nhiều người trẻ khác - anh đã khởi đi từ lối vẽ “hiện thực” theo kiểu “trường quy”, “bài bản” rồi những tác phẩm sau đó dần thiên về “biểu hiện”, “biểu hiện-trừu tượng”, rốt lại thì Trần Văn Binh định hình hẳn ở “trừu trượng”.

Tranh của Binh - anh hay ký thân mật là Văn Bi - cũng là cách “giản lược” bớt việc biểu hình, giản lược bớt đường nét “vẽ vời” để chỉ còn những “tiếng nói vụn” - những “ký tự tối giản” như những miếng vá, miếng thổ cẩm trôi nổi trong bầu trời màu sắc xô giạt không yên tĩnh. Thường là các màu vàng chanh, nâu trầm, xanh đen, ghi sáng...

“Đọc” những tác phẩm trừu tượng của Binh dễ nhận ra tâm thức “duy cảm xúc” của kẻ tạo tác những cảnh giới của cái đẹp ngầm ẩn đâu đó, khó nắm bắt trong đời sống, nhưng có thực, thường hằng và người vẽ đã vén mở cho chúng ta nhận diện.

Tranh trừu tượng của Binh thường chất vấn chúng ta về nỗi ám ảnh của ký ức, về những dự cảm mai kia hơn là trình diễn cái đẹp, cái thu hút bởi sự lộng lẫy của sắc của màu. Kiên trì, nhọc sức, dám chọn lựa một cách thế bày tỏ như anh quả là việc đáng quý phục”.

PHƯƠNG NAM (T/H)