Trước Tết Âm lịch là thời điểm vàng cho thị trường bất động sản phục hồi

Admin
Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu 2021 (là thời điểm vàng) và cả năm 2021 thị trường BĐS cả nước sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

Thị trường sẽ nhộn nhịp cuối năm

Nhiều chính sách mới đã có hiệu lực, như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... có hiệu lực từ ngày 1/12021; Đồng thời với việc Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là “Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai”, sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách...

“Nhưng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

Dịp cuối năm được xem là thời điểm vàng cho thị trường BĐS phục hồi (Ảnh: Mai Vân).

Theo nhận định, thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh sẽ có sự “trỗi dậy” mạnh mẽ hơn các tỉnh, TP khác, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thị trường BĐS tại TP này sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới, dựa vào các yếu tố, như Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh. Đây là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7 - 8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của TP, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Cùng với đó là Đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Trong đó, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.

Ngoài ra, Chính phủ đã quyết định cho TP Hồ Chí Minh được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, mà thực tế đã chứng minh 1ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1ha đất nông nghiệp.

Bất động sản công nghiệp “lên ngôi”

Về mặt bằng chung của toàn thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, mặc dù trải qua làn sóng Covid-19 lần 2, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy, thị trường BĐS đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn.

“Đặc biệt trong thời gian tới, BĐS công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao... Đó là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…” – ông Nguyễn Trọng Ninh cho hay.