TTC Land (SCR): Cả quý II chỉ thu được 40 tỷ từ bán bất động sản, 'sống nhờ' việc thanh lý khoản đầu tư

Kỳ Văn
Quý II/2022, doanh thu chuyển nhượng sử dụng đất, bất động sản của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính "kéo sập" doanh thu của SCR trong quý II, dẫn tới lợi nhuận trước thuế suy giảm 53%.
ttc-land-1659668580.jpg
TTC Land (SCR): Cả quý II chỉ thu được 40 tỷ từ bán bất động sản, 'sống nhờ' việc thanh lý khoản đầu tư

Quý II/2022, doanh thu thuần của SCR chỉ đạt 100 tỷ đồng, giảm tới 91% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bất động sản sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ khi chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm 94%.

Do doanh thu quá thấp, lợi nhuận gộp cũng chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong quý II/2022 là doanh thu tài chính với mức tăng 85%, đạt 206 tỷ đồng, chủ yếu là lãi thanh lý các khoản đầu tư (130 tỷ đồng, tăng gấp 43 lần so với cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, việc chi phí tài chính tăng tới 2,4 lần (đạt 128 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 38% (đạt 23 tỷ đồng) cùng khoản lỗ khác 2 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận trước thuế quý II/2022 của SCR giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, chỉ 86 tỷ đồng - bất chấp công ty có thêm 12 tỷ đồng lợi nhuận trong công ty liên kết và tiết giảm tới 87% chi phí bán hàng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SCR đạt 495 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Nguyên nhân cốt lõi cũng là doanh thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bất động sản giảm 54%, chỉ đạt 314 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận gộp 6 tháng chỉ đạt 132 tỷ đồng, giảm 38%.

Doanh thu tài chính vẫn là điểm sáng của 6 tháng với giá trị 283 tỷ đồng, tăng 36% (chủ yếu là lãi thanh lý các khoản đầu tư 153 tỷ đồng, tăng gấp 51 lần).

Dù vậy, với chi phí tài chính lên tới 179 tỷ đồng, tăng 94%, lợi nhuận trước thuế 6 tháng cũng chỉ đạt 156 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Về tài sản, tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của SCR đạt 9.880 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, giá trị các khoản phải thu giảm 3%, đạt 4.671 tỷ đồng, chiếm 47% tổng tài sản, cụ thể: các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.334 tỷ đồng, giảm 11%, các khoản phải thu dài hạn đạt 1.337 tỷ đồng, tăng 26%.

Hàng tồn kho đạt 2.857 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm, tập trung tại các dự án: Jamona City (1.173 tỷ đồng), Charmington Dragonic (575 tỷ đồng), Charmington Tamashi Đà Nẵng (491 tỷ đồng), Jamona Home Resort (107 tỷ đồng), Jamona Cầu Treo (195 tỷ đồng), TTC Plaza Đức Trọng (146 tỷ đồng)…

Đáng chú ý, khoản SCR tăng cường đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, đạt giá trị 1.019 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý II/2022 là 4.738 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Nợ vay có mức tăng đáng kể, tăng 15%, lên 1.801 tỷ đồng; trong đó, vay ngắn hạn 860 tỷ đồng, tăng 9%, vay dài hạn 941 tỷ đồng, tăng 21%.

SCR có 968 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, trong đó có 584 tỷ đồng là do người mua nhà và căn hộ thuộc các dự án đang thi công nộp vào (giảm 33% so với đầu năm). Ngoài ra, công ty cũng thu 528 tỷ đồng là tiền đặt cọc nhận từ cá nhân để mua căn hộ (gần như không đổi so với đầu năm).

Vốn chủ sở hữu của SCR là 5.141 tỷ đồng, tăng 2%. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 0,92 lần.

Về dòng tiền, 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của SCR âm 561 tỷ đồng (cùng kỳ dương 658 tỷ đồng) do: tăng các khoản phải thu (236 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (325 tỷ đồng), tăng tồn kho (61 tỷ đồng)...

Để bù đắp dòng tiền, SCR đã tích cực thu hồi cho vay, đạt 760 tỷ đồng đồng thời tăng cường vay mượn, tiền thu từ đi vay đã đạt 518 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền của công ty khá thấp, chỉ khoảng 40 tỷ đồng.