Từ việc 3 tháng đầu năm, 400 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Bài toán chính sách nhiều năm vẫn chưa giải được

Kỳ Văn
Một con số “gây sốc” vừa được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM công bố: 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành y tế thành phố có 400 nhân viên nghỉ việc, chiếm gần 70% so với cả năm 2020. Vì sao có thực trạng đáng buồn và đáng lo này? Phải làm gì để giữ chân nhân viên y tế với công việc cứu người, giúp đời?

Vẫn là bài toán thu nhập

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc diễn ra hàng năm. Có nhiều lý do để họ nghỉ việc như nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp, thu nhập không như mong đợi. Đặc biệt sau đợt dịch Covid-19, nguồn thu của các bệnh viện sụt giảm nên việc nhân viên y tế xin nghỉ là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Anh T - kỹ thuật viên xét nghiệm tại Bệnh viện TP.Thủ Đức đã nộp đơn xin nghỉ việc, cho biết: "Cách đây hơn 2 năm, thu nhập của tôi ở Bệnh viện TP.Thủ Đức là trên 10 triệu đồng/tháng. Bây giờ, tôi chỉ còn lương cơ bản và thu nhập tăng thêm được 5 triệu đồng, có người còn thấp hơn nữa. Ai không may bị Covid-19 thì tháng đó chỉ còn lương cơ bản".

Từ việc 3 tháng đầu năm, 400 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Bài toán chính sách nhiều năm vẫn chưa giải được - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng đến cuộc sống của hầu hết nhân viên y tế tại TP.HCM. Ảnh: Bác sĩ Bệnh viện quận 7 đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: B.D

Tính chuyện lâu dài, từng bước điều chỉnh

Đề cập tình hình có tới 400 nhân viên y tế nghỉ việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu cần có chính sách để lực lượng này yên tâm bám vị trí, địa bàn, nhiệm vụ, thực hiện sứ mệnh của mình: "Ban đầu, trong giai đoạn khẩn cấp, chúng ta kêu gọi lương tâm, trách nhiệm, mệnh lệnh trái tim. Nhưng khi tình hình ổn định rồi thì phải tính lâu dài. Hiện nay, chế độ đối với y tế cơ sở còn chưa đồng bộ, chưa như ý muốn và việc này cần từng bước điều chỉnh".

Bản thân anh T cũng bị mắc Covid-19 vào tháng 12/2021, phải nghỉ làm để điều trị, tháng đó anh chỉ còn nhận lương cơ bản. Nghe nói sẽ được hỗ trợ vì nhiễm bệnh, anh T làm hồ sơ giấy tờ nhiều lần. Vậy nhưng đến nay, anh chưa nhận được khoản tiền nào.

Anh T chia sẻ, không ít nhân viên y tế của bệnh viện đang rất mệt mỏi. Hiện tại, công việc quá nhiều mà thu nhập bị cắt giảm nên nhiều điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên… rơi vào thế phải cầm cự. Thậm chí, có người còn mong trở thành… F0 để có thể được nghỉ ngơi. Tình trạng chán nản kéo dài, anh T nộp đơn xin nghỉ để tìm công việc mới có thu nhập tốt hơn, nhưng bệnh viện chỉ duyệt cho anh nghỉ từ giữa tháng 5.

Chị L.P - một kỹ thuật viên gây mê (Bệnh viện TP.Thủ Đức) vừa chính thức nghỉ việc từ tháng 3/2022, chia sẻ rằng dự định nghỉ việc đã có từ lâu nhưng vì dịch Covid-19, chị ở lại cùng đồng nghiệp xông pha chống dịch. Nhưng khi dịch được kiểm soát, chị phải tìm cách lo cho cuộc sống gia đình khi mà thu nhập của chị tại bệnh viện hiện đã giảm 40%.

Thông tin với phóng viên Báo NTNN, nhiều nhân viên Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết, hiện tượng "làn sóng nghỉ việc" xảy ra ở nhiều khoa, phòng, như Khoa Truyền máu-Huyết học trước đây có hơn 40 nhân viên nhưng hiện tại chỉ còn 18 người. Có thời điểm, họ phải đi khuân vác đồ đạc, vận chuyển máy móc, thiết bị y tế... theo yêu cầu của khoa, trong khi nhiệm vụ là làm chuyên môn.

Công việc nặng nề

Từ việc 3 tháng đầu năm, 400 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Bài toán chính sách nhiều năm vẫn chưa giải được - Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) giám sát bệnh nhân qua hệ thống camera. Ảnh: M.O.H

Đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề, cho đi học…

Ông Phạm Tấn Hoan - Trưởng Phòng Y tế quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho rằng, để thu hút và giữ chân nhân viên y tế cơ sở, ngoài vấn đề nâng tiền lương, các quyền lợi của họ cũng phải được đảm bảo. "Theo tôi, nhân viên y tế làm ở trạm y tế phải được cấp chứng chỉ hành nghề như các y bác sĩ thực hành tại bệnh viện. Bởi theo quy định hiện nay phải làm ở bệnh viện, có giường bệnh thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, họ nên được cho đi học để nâng cao tay nghề như bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nếu tay nghề không lên họ sẽ nghỉ việc" - ông Hoan nói.

B.D

Thực trạng nói trên chỉ là câu chuyện nối dài của những năm trước, thực tế, làn sóng nhân viên y tế ở các cơ sở y tế công lập nghỉ việc đã kéo dài nhiều năm, ở mức 400-500 người/năm. Đặc biệt trong năm 2021, khi TP.HCM gồng mình trước làn sóng dịch thứ 4 cũng là năm có số nhân viên y tế nghỉ việc cao nhất: 968 người.

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM ngày 8/12/2021, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thừa nhận: "Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là có lý do. Nếu nói nhân viên y tế đã kiệt sức cũng không sai bởi gần 8 tháng trôi qua, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp".

Bác sĩ Nguyễn Thái - Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 cho biết, tình trạng nhân viên ở các trạm y tế phường trên địa bàn quận xin nghỉ việc đã liên tục xảy ra. Dù rất buồn và muốn giữ đồng nghiệp ở lại nhưng bác sĩ Thái cũng không thể làm trái nguyện vọng của người muốn nghỉ.

Trạm y tế phường 5, quận 3 trước đây có 7 người. Hiện một nữ bác sĩ đã chính thức nghỉ việc, một nữ hộ sinh cũng chuẩn bị nghỉ. Như vậy, nhân sự của trạm sắp tới chỉ còn 5 người. 5 người này phải đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia như sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, lao, tâm thần, da liễu, HIV, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường, sốt rét, nha học đường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe, bệnh không lây, khám bảo hiểm y tế…

Đặc biệt, trong hai năm qua dịch Covid-19 bùng phát, công việc của các nhân viên y tế tăng lên gấp đôi, gấp ba: Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, theo dõi và điều trị ca bệnh Covid-19 trên địa bàn, nhập dữ liệu ca bệnh… Công việc nhiều, thế nhưng lương tháng mỗi nhân viên y tế của trạm chỉ 5-6 triệu đồng. Theo bà Vũ Thị Mai Liên - Trạm trưởng trạm y tế phường 5, lý do nghỉ việc nói chung do áp lực công việc quá lớn, ít có thời gian gần gũi con cái và chăm lo gia đình.

Cách nào để giữ chân nhân viên y tế?

Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, hằng năm các cơ sở y tế công lập ở TP.HCM đều xảy ra tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc với rất nhiều lý do như đi làm xa, môi trường làm việc không phù hợp, đặc biệt có nguyên nhân đến từ thu nhập chưa như mong đợi. Ngoài các nguyên nhân nêu trên, có thể thấy đợt dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua đã vắt kiệt sức của nhiều nhân viên y tế, kéo theo làn sóng xin nghỉ việc trong lực lượng này có xu hướng tăng.

Cụ thể số liệu thống kê cho thấy nếu như cả năm 2020 tại TP.HCM chỉ có 597 nhân viên y tế nghỉ việc thì đến năm 2021 đã tăng gần gấp đôi, lên gần 1.000 người. Và mới chỉ trong quý I/2022 đã có 400 người xin nghỉ việc, chiếm gần 70% so với cả năm 2020.

Phải thừa nhận thực tế trong số nhân viên y tế xin nghỉ việc có không ít người đã tìm được "bến đỗ" mới tốt hơn về cả điều kiện vật chất lẫn môi trường làm việc để phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đa phần số nà--y chuyển dịch từ bệnh viện công sang bệnh viện - phòng khám tư, thông qua chiến lược ráo riết "săn đầu người" của các "ông lớn" trong ngành y.

Tuy vậy, cũng có rất nhiều nhân viên y tế chẳng đặng đừng phải nói lời chia tay nghề nghiệp chỉ vì nỗi lo "cơm áo gạo tiền". Một giám đốc bệnh viện nói rằng làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc là điều tất yếu khi mà cơ chế, chính sách đảm bảo tối thiểu nhu cầu cuộc sống và phát triển nghề nghiệp còn gặp quá nhiều rào cản. Và để "chữa cháy" cho sự rơi rụng nhân sự này, đòi hỏi các cơ sở y tế phải linh động chắp vá con người, dồn tua trực, tăng giờ làm...

Theo đánh giá của ngành y tế TP.HCM, chế độ chính sách có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của số đông cán bộ y tế, đặc biệt ở y tế cơ sở. Những khó khăn trong đời sống, thu nhập của cán bộ y tế là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút nhân lực về công tác tại y tế cơ sở.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần ban hành các chế độ hỗ trợ thu nhập nhằm cải thiện đời sống. Từ đó mới mong thu hút và duy trì nhân viên y tế đang công tác tại tuyến y tế cơ sở. Để hiện thực hóa điều này, mới đây Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã ký văn bản gửi 4 sở (Nội vụ, Tài chính, Tư pháp và LĐTBXH) về việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Bên cạnh đó TP.HCM cũng đưa ra 3 chính sách lớn, bao gồm chính sách giữ chân, tăng cường và thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở. Sở Y tế TP.HCM đề xuất sắp tới TP.HCM cần ban hành chính sách hỗ trợ hàng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ.