Tỷ giá biến động, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì để ứng phó?

Admin
Đồng Bảng Anh mới đây đã có lúc rơi xuống mức thấp kỉ lục. Đồng Euro cũng ở mức thấp nhất trong 20 năm so với USD. Tại Việt Nam, tỷ giá cũng lần đầu vượt 24.000 VND/USD.

Kể từ ngày 21/9 - thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 5, đồng USD vẫn duy trì ở gần ngưỡng cao nhất 20 năm khiến tỷ giá nhiều đồng tiền trong rổ tiền tệ thế giới có những biến động mới.

Cụ thể, đồng Bảng Anh có lúc giảm xuống mức thấp nhất 50 năm, xuống 1 Bảng Anh đổi 1,03 USD. Với đồng Euro, mốc 1 đổi 1 tiếp tục chịu nhiều thách thức khi 1 Euro giờ chỉ đổi được 0,9892 USD.

Tỷ giá biến động, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì để ứng phó? - Ảnh 1.
Ảnh minh họa
Còn tại thị trường châu Á, đồng Nhân dân tệ lao dốc xuống mức 7,2192 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 14 năm. Bất chấp các biện pháp can thiệp của Chính phủ Nhật Bản, đồng Yen vẫn tiếp tục xuống thấp nhất 24 năm so với đồng bạc xanh. Hiện giao dịch trên 144 Yen đổi 1 USD.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tăng lãi suất điều hành với mục tiêu là giữ ổn định giá trị tiền tệ, kiểm soát lạm phát, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Sau động thái tăng lãi suất từ cơ quan điều hành, tỷ giá trong nước tiếp tục có biến động do sức ép từ thị trường thế giới.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể tránh khỏi tác động. Lần đầu tiên, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã vượt mức 24.000 VND/USD.

Tỷ giá biến động, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì để ứng phó? - Ảnh 2.

Tỷ giá biến động, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu tác động trước tiên. Ảnh minh họa.

Hiện là quý cuối cùng trong năm. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn khi các doanh nghiệp vào cao điểm sản xuất hàng cuối năm.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Nền kinh tế vẫn xuất siêu 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vẫn tương đối lớn, khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 276 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá biến động, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu tác động trước tiên.

Vậy các doanh nghiệp đang xoay sở ra sao? Để giảm thiểu tác động từ việc tăng giá đồng USD lên giá, cần giải pháp gì cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu? Tỷ giá trong nước sẽ còn chịu những áp lực nào từ nay tới cuối năm và giải pháp điều hành như thế nào?

Xung quanh các vấn đề trên, mục Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy tài chính với sự tham gia của PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - đã có những phân tích, bình luận chi tiết.