Lợi nhuận chỉ 8 triệu đồng
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã chứng khoán: NVB) có thu nhập lãi thuần đạt báo lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng trong năm 2022. Nguyên nhân do nhiều nguồn thu NCB bị giảm mạnh.
NCB báo lãi sau thuế chỉ 8 triệu đồng trong năm 2022.
Cụ thể, so với năm 2021, nguồn thu chính của NCB là thu nhập lãi thuần giảm 26% xuống còn 931,7 tỷ đồng; Lãi thuần từ dịch vụ giảm 7,5% xuống mức 132,8 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 53,2% xuống còn 166,7 tỷ đồng;
Điểm sáng trong bức tranh tài chính của NCB là hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lãi 83,8 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 18,2 tỷ đồng; hoạt động khác báo lãi 21,8 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 39,2 tỷ đồng).
Sau khi trừ các chi phí và thuế, NCB báo lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng trong năm 2022, con số này trong năm 2021 là 1,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong quý 2 và 3/2022, NCB báo lỗ sau thuế lần lượt 5,1 tỷ đồng và 196,2 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt
Một tình trạng đáng báo động tại Ngân hàng NCB là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này sắp đạt ngưỡng 18%. Điều này có nghĩa là cứ 100 đồng nhà băng này cho vay khách hàng, thì có gần 18 đồng là nợ xấu. Trong khi phần lớn các ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% thì mức nợ xấu 17,93% của NCB thực sự là con số đáng báo động.
Tỷ lệ nợ xấu của NCB đang trong tình trạng đáng lo ngại.
Tính đến 31/12/2022, cho vay khách hàng của NCB đạt hơn 47.722 tỷ đồng, tăng 14,7% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của nhà băng này đi xuống rõ rệt khi Nợ nhóm 1 và 2 suy giảm nhưng Nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 tăng mạnh.
Cụ thể, so với hồi đầu năm, Nợ nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) giảm 1,8% xuống mức 36.546,1 tỷ đồng; Nợ nhóm 2 (Nợ nghi ngờ) giảm 17% xuống còn 2.619,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 70,4% lên mức 1.027,7 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) tăng vọt 23,4 lần lên mức 4.248,1 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng tới hơn 7 lần đạt mức 3.280,5 tỷ đồng.
Do đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng NCB đạt 8.556,5 tỷ đồng, cao gấp gần 7 lần so với hồi đầu năm và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này thuộc diện “báo động đỏ” khi tăng vọt từ 3,73% hồi đầu năm lên 17,93%.
Tuy nhiên điều khó hiểu dù nợ xấu đang trong tình trạng đáng báo động thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của NCB trong năm 2022 giảm 59% so với năm 2021 xuống mức 308 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của NCB đạt 89.847 tỷ đồng, tăng 21,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12,3% đạt 46.762,6 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 10,6% so với đầu năm đạt 71.350,3 tỷ đồng.