USD cùng trái phiếu bật tăng; các tài sản rủi ro lao dốc, dẫn đầu là Bitcoin

Kỳ Văn
Phiên giao dịch cuối tuần (26/2), đồng USD tăng, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ duy trì mức cao nhất gần một năm, trong khi các đồng tiền mang tính rủi ro cao như đô la Australia (AUD) suy yếu, Bitcoin và chứng khoán cũng lao dốc.

Sản xuất trên toàn cầu tăng trưởng tốt cùng với chiến dịch tiêm chủng diễn ra thuận lợi tạo ra tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu; chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tháng 1 tăng mạnh nhất 7 tháng…Những điều này lẽ ra thúc đẩy giá các tài sản rủi ro tăng, nhưng trái lại, giá các tài sản rủi ro đang quay đầu giảm. Lý do bởi nhận định rằng kinh tế toàn cầu cải thiện sẽ khiến các nước sớm thắt chặt chính sách tiền tệ, thậm chí có thể sớm hơn cả thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã báo hiệu.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên 22/2 đạt 1,614%, mức cao nhất trong vòng 1 năm, sau đó giảm 9,3 điểm ở phiên cuối tuần, xuống 1,422%. Mặc dù giảm nhưng tỷ lệ đó vẫn cao hơn 50 điểm so với hồi đầu năm, và cao hơn 33 điểm so với ngày 1/2/2021.

Jeremy Stretch, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của CIBC World Markets, cho biết: "Diễn biến của đồng USD phản ánh những diễn biến về lợi suất". Ông lưu ý rằng, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã nhanh chóng vượt lên cao hơn cả lợi suất cổ tức của S&P500 (trong ngày 25/2), cho thấy "yếu tố không chắc chắn" vào thời điểm này là rất lớn.

Phiên vừa qua, chỉ số dollar index đã tăng 0,59% lên 90,847, mức cao nhất trong vòng gần 1 tuần.

USD đã tăng 0,59% so với JPY lên 106,69 JPY, cao nhất kể từ tháng 9.

Đồng EUR cũng giảm 0,79% xuống 1,2078 USD, sau khi chạm mưcs thấp nhất 7 tuần ở phiên liền trước, là 1,2244 USD.

Các loại tiền có tính rủi ro cao đồng loạt lao dốc. AUD giảm 1,99% xuống 0,7713 USD vào ngày 26/2, trước đó (hôm 25/2), đồng tiền này còn xuống 0,8 USD lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018.

Các chuyên gia tiền tệ nhận định, đồng bạc xanh có thể sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi từ các dòng chảy hướng tới nơi trú ẩn an toàn, nếu ‘mức độ rủi ro’ tiếp tục tăng lên, và các đồng tiền mới nổi có thể nằm trong số những loại tiền giảm giá nhiều nhất. Thậm chí có người lo rằng diễn biến như vậy có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Đồng CNY của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên vừa qua, đánh dấu sự đảo chiều sau 8 tháng tăng liên tiếp, do lo ngại về sự căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 26/2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ấn định tỷ giá CNY ở mức 6,4713 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 2/2, và thấp hơn 0,3% so với 6,4522 CNY của phiên liền trước. Trên thị trường tự do, CNY mở cửa là 6,4760 CNY/USD, nhưng sau đó giảm xuống 6,4890 CNY, thấp nhất kể từ 28/1.

Biến động tỷ giá

USD cùng trái phiếu bật tăng; các tài sản rủi ro lao dốc, dẫn đầu là Bitcoin - Ảnh 1.

Bitcoin phiên cuối tuần cũng giảm 0,32% xuống 46.946 USD; Ethereum giảm 0,7% xuống 1.468 USD.

Với những phiên giảm đột ngột trong tuần qua, đồng Bitcoin đã kết thúc một tuần giảm nhiều nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, giảm khoảng 20%, kéo thụt mức tăng giá của đồng tiền này từ đầu năm đến nay còn 60%, dù có thời điểm đạt mức cao lịch sử 58.354 USD.

Chỉ số các đồng tiền điện tử chủ chốt của Bloomberg (Bloomberg Galaxy Crypto Index) tuần này mất 22%.

Giá vàng cũng giảm hơn 2% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất 8 tháng, để kết thúc một tháng giảm nhiều nhất kể từ tháng 11/2016; dầu mỏ cũng lao dốc trong phiên này.

Đồng Bitcoin sụt giảm do xu hướng bán tháo các tài sản rủi ro trên toàn cầu

USD cùng trái phiếu bật tăng; các tài sản rủi ro lao dốc, dẫn đầu là Bitcoin - Ảnh 2.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm mặc dù chỉ số Nasdaq của Mỹ tăng mạnh, cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư về khả năng lạm phát tăng mạnh.

Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương phiên cuối tuần giảm 1,61% xuống 656,29 điểm.

Trong nhóm chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,56% trong khi S&P 500 giảm 0,48% và chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,51%.

"Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn thể hiện mức độ cao nhất khi so sánh giữa mức độ an toàn và cơ hội, nhưng đang có sự thay đổi", JJ Kinahan, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc công ty TD Ameritrade ở Chicago cho biết.

Tại châu Âu, chỉ số FTS Eurofirst 300 giảm 1,64% xuống 1.559,48, trong đó cổ phiếu công nghệ .SX8P giảm sâu khỏi mức cao nhất trong 20 năm.

Đặc biệt, xuất hiện làn sóng bán tháo cổ phiếu Châu Á, khiến chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương giảm 3% (mức giảm trong một ngày nhiều nhất kể từ cuối tháng 3) xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng.

Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương đang giảm điểm mạnh

USD cùng trái phiếu bật tăng; các tài sản rủi ro lao dốc, dẫn đầu là Bitcoin - Ảnh 3.

Mặc dù vậy, do xu hướng giảm điểm mới xuất hiện nên tính chung cả tháng 2, các chỉ số chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương hầu hết vẫn tăng điểm, trong đó chứng khoán Việt Nam dẫn đầu đà tăng. Còn so với đầu năm 2021 thì chứng khoán Đài Loan đang dẫn đầu đà tăng.

Mức tăng hoặc giảm chứng khoán Châu Á trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021

USD cùng trái phiếu bật tăng; các tài sản rủi ro lao dốc, dẫn đầu là Bitcoin - Ảnh 4.

Tổng hợp từ Reuters, Bloomberg