Thông báo 213/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 12/8/2021 về nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống COVID-19 trong nước, tiếp tục nhấn mạnh thông điệp về chủ trương của Chính phủ hiện nay coi “vaccine tốt nhất là vaccine đã được cấp phép lưu hành và đến sớm nhất, kịp thời nhất” trong lúc chúng ta đang rất cần vaccine để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất
Theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn đang rất hiệu quả trong việc phòng ngừa mắc bệnh COVID-19 nặng do biến thể Delta gây ra.
WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.
Tính đến ngày 6/8, các dữ liệu cho thấy, vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng COVID-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.
Để chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh, TS. Kidong Park nhấn mạnh thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là người dân hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt. Vaccine tiếp tục là công cụ bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong khi đối mặt với biến thể Delta.
Tại TPHCM - địa phương đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước, tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn, với tốc độ tiêm có ngày hơn 300.000 liều vaccine/ngày.
Hiện, TPHCM đã nhận được 4,4 triệu liều vaccine từ Bộ Y tế và đã tiêm cho người dân. Số lượng vaccine này đã cơ bản sử dụng hết.
Bên cạnh đó, từ ngày 13/8, TPHCM bắt đầu triển khai tiêm 1 triệu liều vaccine Vero Cell đã được Bộ Y tế kiểm định. Tính đến nay, Thành phố đã tiêm được 200.000 mũi loại vaccine này. Thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm phủ vaccine mũi 1.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến cáo người dân, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, đồng thời người dân hãy thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Tiêm vaccine sẽ giảm triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, vaccine phòng COVID-19 là loại vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định vào sự thành công của chiến lược phòng chống COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết, hiện tại, nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên thế giới vẫn rất hiếm. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nếu có vaccine nào thì hãy tiêm vaccine đó. Tất cả các vaccine về Việt Nam đều được cấp phép lưu hành, trước khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo kiểm định chất lượng vaccine rất chặt chẽ.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo người dân hãy tiêm bất kỳ vaccine nào khi đến lượt, vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vaccine có tỉ lệ gần như nhau và không có vaccine nào tuyệt đối an toàn.
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội, hiện nay chỉ có một số ít người e ngại tiêm vaccine phòng COVID-19, còn số người có nhu cầu tiêm rất nhiều, khoảng 70-80%.
PGS. Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ, trước khi tiêm, các bác sĩ khám sàng lọc sẽ tư vấn về vaccine có thể phòng bệnh cho người được tiêm. Tuy nhiên, không có nghĩa là người được tiêm sẽ không mắc bệnh sau tiêm, nhưng khi đã tiêm vaccine thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp hơn. Đặc biệt, những trường hợp đã tiêm, nếu có mắc bệnh thì triệu chứng cũng rất nhẹ so với người không được tiêm. Điều quan trọng nữa là nếu toàn dân tiêm phòng vaccine COVID-19 thì sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng rất lớn.