Vận đen Ca sĩ Khánh Phương: Bỏ vốn làm chủ doanh nghiệp BĐS, ôm về nợ nần và thua lỗ

Admin
Làm ăn thua lỗ, nợ chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn là những điểm chính trong bức tránh tài chính của Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) . Đây cũng chính là doanh nghiệp mà ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) đã đầu tư và trở thành cổ đông lớn.
van-den-ca-si-khanh-phuong-bo-von-lam-chu-doanh-nghiep-bds-om-ve-no-nan-va-thua-lo-1686449727.jpg
Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 có vốn điều lệ là 72 tỷ đồng.

Hồi tháng 1/2023, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) đã thông tin về số thành viên Hội đồng quản trị của mình tại nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trong số 5 thành viên HĐQT bất ngờ xuất hiện tên là ông Phạm Khánh Phương - người được biết đến nhiều với nghệ danh là ca sĩ Khánh Phương.

Lịch sử giao dịch của cổ phiếu SJC cho thấy, trong ngày 28/10, cá nhân Phạm Khánh Phương đã trở thành cổ đông lớn nhất của Sông Đà 1.01 khi mua vào thành công gần 3,156 triệu cổ phiếu SJC, tương đương tỷ lệ sở hữu 45,51%. Trước đó, ông Phương không sở hữu một cổ phiếu nào của Sông Đà 1.01 và không có người liên quan tại doanh nghiệp.

Sau khi trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01, ngày 18/11, ông Phương tiếp tục mua vào 66.800 cổ phiếu SJC bằng hình thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,65%. Tuy nhiên, ngày 25/11, ông Phương đã bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 23,12%. Đến ngày 9/12, tiếp tục mua vào 65.400 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,26%.

Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 là có vốn điều lệ 72.260.820.000 đồng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chủ yếu là xây lắp và kinh doanh bất động sản.

Theo tài liệu báo cáo tài chính mới nhất của SJC, doanh thu thuần trong quý IV/2022 của doanh nghiệp này đạt 1,7 tỷ đồng, trong khi đó quý IV/2021 là 1,6 tỷ đồng. Doanh thu bèo bọt lại gánh phần trả lãi vay lên đến 4,4 tỷ đồng khiến cho SJC lỗ hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, quý IV/2021 của SJC lỗ 231 triệu đồng.

Lũy kế năm 2022 của SJC có doanh thu đạt 6,7 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 là 45 tỷ đồng. Đáng chú ý, lũy kế doanh thu năm 2021 tăng lên đột biến trong 3 năm (2020,2021,2022), khi năm 2020 cũng chỉ ghi nhận ở mức 6,9 tỷ đồng.

Qua đó, lũy kế lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này qua các năm cũng có biến động mạnh cụ thể: -502 triệu đồng (2020); 2,4 tỷ đồng (2021); -5,2 tỷ đồng (2022). Số liệu này cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh của SJC cũng không mấy khả quan khi lợi nhuận đem về rất ảm đạm.

Đáng chú ý trong bức tranh tài chính, SJC đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn và điều này khiến cho doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro.

Theo đó, nguồn vốn của SJC chủ yếu dựa vào vay nợ là chính với 1.548 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 849 tỷ đồng và nợ dài hạn là 699 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ 94 tỷ đồng và giảm 5 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Với nguồn vốn chủ yếu là từ nợ đã khiến cho hệ số nợ phải/ vốn chủ sở hữu tạo ra một khoảng cách lớn lên đến 16 lần.

Ở khía cạnh về khả năng thanh toán của ngắn hạn, doanh nghiệp này vẫn có khả năng thanh toán được nợ khi hệ số tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn trên 1. Tuy nhiên, khi trừ hàng tồn kho ra, khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp này lại không đảm bảo khi hệ số này chỉ ở mức 0,2 lần.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp này không chỉ giảm mà lại còn tăng lên từ 1.382 tỷ đồng lên 1.410 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc kinh doanh của doanh nghiệp này không mấy thuận lợi và tài sản lệ thuộc vào hàng tồn kho lớn sẽ tạo ra một rủi ro rất lớn.