Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, lại khuyến nghị cân nhắc kỹ việc hạ thêm lãi suất. Theo ông Lực, lãi suất không còn là điểm nghẽn của tín dụng. Mặt bằng lãi suất đang ở mức tương đối thấp, nếu tiếp tục giảm, dòng tiền có khả năng sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Bên cạnh đó, nếu lãi suất tiếp tục giảm, lạm phát năm nay sẽ tăng trở lại, dù tháng 3 có “hạ nhiệt” do Covid-19, và người dân ít đi lại và ít du lịch hơn. Vị chuyên gia nhấn mạnh áp lực lạm phát năm nay rất lớn. Giá dầu được dự báo sẽ tăng 30%. Vừa qua, kênh đào Suez tắc, giá dầu đã tăng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: L. H.
Đánh giá về việc lãi suất Việt Nam tương đối cao, ông Lực cho rằng cần nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Lý do đầu tiên là vì lạm phát Việt Nam cao 3-3,5%, trong khi Trung Quốc gần 2%, Philipines 2,5%, bình quân thế giới 3 năm qua là 2%.
Lý do thứ hai, theo ông Lực, là rủi ro nền kinh tế, rủi ro doanh nghiệp của Việt Nam rất cao. Việt Nam được xếp hạng BB, trong khi Indonesia là BBB, và Trung Quốc là BBB+. “Khi rủi ro cao, lãi suất đương nhiên phải cao”, ông Lực nhấn mạnh. Lý do thứ ba là chênh lệch lãi suất đầu vào của Việt Nam vẫn dương so với lạm phát. Cuối cùng, theo ông Lực, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng Việt Nam khoảng 2,6% - là mức trung bình so với các nước như Trung quốc 2,9%, Indonesia là 2,3%, ngoại lệ Myanmar 8%.
Trong báo cáo về thị trường tiền tệ, trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu quý II và có thể nâng từ cuối quý sau, khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Trên thị trường, từ đầu tháng 3, một số ngân hàng tăng lãi suất nhưng mức thay đổi không lớn và không mang tính hệ thống. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán lãi suất huy động sẽ duy trì ở mặt bằng thấp. Áp lực tăng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn.