Việt Nam là một trong ba quốc gia sản xuất xi măng hàng đầu thế giới. Theo Statista, năm 2024, Trung Quốc dẫn đầu với sản lượng chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu; Ấn Độ xếp thứ hai. Việt Nam giữ vị trí thứ ba với hơn 110 triệu tấn xi măng được sản xuất trong năm.
Xuất khẩu xi măng và clinker tháng 1/2025 giảm nhẹ cả về lượng và kim ngạch.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn xi măng và clinker, thu về hơn 76 triệu USD. So với tháng trước, sản lượng giảm 4,1%, kim ngạch giảm 11,2%.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 35 USD/tấn, giảm 7,4% so với tháng 12/2024.
Bangladesh tiếp tục là thị trường lớn nhất của xi măng Việt Nam với hơn 586 nghìn tấn, tương đương 17,2 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm 29,4%, kim ngạch giảm 32,4%. Giá bình quân đạt 30 USD/tấn, giảm 4,3% so với năm trước.
Philippines và Malaysia là hai thị trường xuất khẩu xi măng lớn của Việt Nam.
Xếp sau Bangladesh, Philippines là thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1/2025 với gần 500 nghìn tấn, thu về hơn 17 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng giảm 39,8% và kim ngạch giảm 47%. Giá xuất khẩu trung bình đạt 35 USD/tấn, giảm 12%.
Malaysia đứng thứ ba với hơn 146 nghìn tấn, trị giá gần 5 triệu USD. So với tháng 1/2024, sản lượng giảm 21,2% và kim ngạch giảm 20,4%. Dù vậy, giá xuất khẩu bình quân đạt 34 USD/tấn, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)
Ngành xi măng đối mặt thách thức: Công suất dư thừa, cạnh tranh gay gắt
Ngành xi măng Việt Nam đang đối diện với bài toán cung vượt cầu khi tổng công suất thiết kế lên tới 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 65 triệu tấn. Điều này khiến thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Cả nước hiện có 90 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 106 triệu tấn/năm, nhưng thực tế có thể đạt tới 122 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sự trầm lắng của thị trường bất động sản đã khiến sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, buộc nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động một số dây chuyền, thậm chí có những dây chuyền phải ngừng dài hạn.
Hoạt động xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong năm qua gặp nhiều thách thức khi các thị trường truyền thống thu hẹp nhập khẩu. Trung Quốc gần như không nhập khẩu xi măng và clinker trong hai năm qua do tự sản xuất trở lại sau thời gian hạn chế để giảm ô nhiễm môi trường.
Bangladesh cũng giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam do nguồn cung dư thừa từ Pakistan và UAE. Trong khi đó, Philippines tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng Việt Nam trong thời gian 5 năm (từ 20/3/2023), đồng thời thực hiện điều tra tự vệ từ năm 2019 đến tháng 6/2024.
Dự kiến trong năm 2025, tăng trưởng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam sẽ chậm lại, duy trì ở mức tương đương năm 2024. Các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường sang Mỹ, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi để bù đắp sự sụt giảm từ các thị trường truyền thống.
Hà Trần (t/h)