Việt Nam lần đầu tiên lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2050

Kỳ Văn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ tư.

Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình thẩm định, nhìn chung đã được các thành viên Hội đồng và chuyên gia phản biện đưa ra ý kiến thống nhất.

Tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước.
Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước. (Nguồn: Zing)

Đánh giá lại hiện trạng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và kinh nghiệm. Song, đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam đánh giá lại hiện trạng phát triển đồng thời tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể.

“Quy hoạch tổng thể sẽ cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước, định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia,” vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển cũng được các đại biểu nêu ra tại cuộc họp.

Trong đó, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lã Ngọc Khuê; Tiến sỹ Trần Đình Thiên;Tiến sỹ Cao Viết Sinh đề nghị xem xét, nhấn mạnh quan điểm mở rộng không gian phát triển, hướng ra đại dương và chinh phục bầu trời, vũ trụ. Các chuyên gia cũng bổ sung ý kiến về liên kết vùng, phải là cấu trúc không gian chủ yếu để tổ chức phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đề nghị xem xét, bổ sung mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đến năm 2030.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng gia đề xuất lấy phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 từ 6,5% đến 7,5%.

Ngoài ra, giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Học và ông Cao Viết Sinh cũng cho rằng bổ sung nội dung về thể chế, chính sách là các vấn đề trọng tâm, trọng điểm phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

Các mục tiêu cụ thể

Về định hướng phát triển các ngành kinh tế, Tiến sỹ Cao Viết Sinh: Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương đề nghị chỉnh sửa lại mục tiêu phát triển du lịch: “Đến năm 2030, khách quốc tế đến Việt Nam 47-50 triệu lượt và du lịch đóng góp 14-15% GDP” để phù hợp với mục tiêu đã được Đại hội Đảng XIII.

Bên cạnh đó, ông Lã Ngọc Khuê cũng đề nghị bổ sung nội dung “Đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các tuyến đường sắt liên vùng” trong quan điểm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Cũng về vấn đề này, Thó giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồi cho rằng cần ưu tiên xây mới hệ thống đường sắt và đường thủy nội địa gắn với hàng hải trong thời kỳ 2021-2030.

Theo đó, Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Học đề nghị định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi cần ghi rõ cho vùng Đồng bằng sông Hồng (làm sống lại các con sông nội địa, các công trình thủy lợi có thể chủ động lấy nước trong mọi thời gian) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (bổ sung chương trình xây dựng đê và cống ven sông để chống ngập lụt, chủ động sống chung với lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu).

Bổ sung ý kiến, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh cần xem xét nội dung đảm bảo hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng và có thêm nội dung quản lý khai thác nước ngầm, trữ nước ngọt và chuyển nước đến các vùng thiếu nước ngọt trong mùa khô trong Quy hoạch.

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng."

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quá trình triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tuân thủ đầy đủ quy trình lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Về cơ bản, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ và phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.

“Trên cơ sở ý kiến tham gia thẩm định bằng văn bản và ý kiến tham gia tại phiên họp thẩm định hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất, trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ tư,” Bộ trưởng cho biết.

Về cơ bản, các ý kiến của các thành viên, ủy viên Hội động thẩm định đã nhất trí với những nội dung quan trọng của Báo cáo Quy hoạch:

- Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cấn đối giữa các vùng miền, địa phương.

- Định hướng động lực tăng trưởng: Tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng.

- Định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính: Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị quanh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, gắn kết với các cửa ngõ quốc tế.

- Các đột phá phát triển hạ tầng: Ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.