Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt khoảng 250 nghìn tấn, trị giá 424 triệu USD. Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.697 USD/tấn.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,37 triệu tấn, trị giá 2,18 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong tháng 9/2024, giá mủ cao su tại trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Tại một số công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 395-435 đồng/ TSC, tăng khoảng 29-37 đồng/TSC so với cuối tháng trước.
Theo Tổng cục Hải quan cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 751,55 ngàn tấn cao su, trị giá 1,14 tỷ USD (giảm 20% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
Trong khi xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm thì các thị trường khác lại tăng rất mạnh, đặc biệt là thị trường Malaysia. Theo đó, trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 11,6 ngàn tấn cao su, trị giá 16 triệu USD sang Malaysia (tăng 178% về lượng và tăng 194% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho hay, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của nước ta được dự báo sẽ đạt khoảng 3-3,2 tỷ USD, thấp hơn khoảng 200-300 triệu USD so với mục tiêu đề ra.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 9/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á liên tục tăng và lập đỉnh mới do được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất chính, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thiếu hụt.
Siêu bão Yagi vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất cao su tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu trong mùa cao điểm. Mặc dù công việc khai thác cao su đã dần được nối lại nhưng thời tiết mưa vẫn ảnh hưởng đến việc giải phóng nguyên liệu, khiến sản lượng khan hiếm, các nhà máy chế biến gặp khó khăn trong việc thu gom keo thô.
Trước đó, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời, điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Theo dự báo thông lệ nhu cầu thu mua cao su sẽ tăng lên vào giai đoạn cuối năm sau khi các khách hàng dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Giai đoạn nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm chính để xác định biến động giá cao su trong vòng 12 tháng tới (nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025). Do đó, giá cao su có thể sẽ neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025.
Tú Chi (t/h)