Việt Nam tiếp tục là điểm đến đáng tin cậy và hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế lưu trú từ năm 2021

Kỳ Văn
Đó là nhận định của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên HĐQT độc lập Dragon Holdings.
Kết thúc năm 2020, kỳ tích Việt Nam được cả thế giới công nhận khi chúng ta là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương thuộc top đầu thế giới nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia. Theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên HĐQT độc lập Dragon Holdings, "Việt nam tiếp tục là điểm đến đáng tin cậy và hấp dẫn dòng vốn quốc tế lưu trú từ năm 2021".

Nhìn lại những kỳ tích Việt Nam sau khi vượt qua hai cuộc khủng hoảng

Trước 2008, Việt Nam được biết đến là ngôi sao đang lên của khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhờ thu hút vốn FDI hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, cuộc đại khủng hoảng diễn ra và chúng ta cũng phải hứng chịu sức càn quét của khủng hoảng. Lạm phát tăng cao hai con số, GDP tăng trưởng chậm lại. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam đã lỡ chuyến tàu tăng trưởng kinh tế sau 2008, dang dở ước mơ trở thành con hổ kinh tế mới của Châu Á.

Tuy nhiên, đến năm 2018, kinh tế Việt Nam lại bứt tốc thần kỳ khi đạt mức tăng trưởng cao trở lại, 7,08%. Thị trường chứng khoán hồi phục, chỉ số VNindex lập lại đỉnh cũ.

Đầu năm 2020, nền kinh tế một lần nữa bị thử thách khi đại dịch Covid-19 ập đến, khiến cho hoạt động kinh doanh bị phong tỏa. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và người dân, đến cuối năm, chúng ta đã đẩy lui được dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế trở lại. Năm 2021 mở ra nhiều hy vọng về một Việt Nam hùng cường, sau khi chúng ta ngăn chặn thành công đại dịch trong năm 2020.

Kỳ tích Việt Nam là thành quả của chính sách phát triển kinh tế đất nước phù hợp và đa dạng hóa nền kinh tế, nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân. Trong đó, sự đóng góp của vốn đầu tư nước ngoài là một nhân tố đặc biệt đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc. Trong năm 2020, mặc dù bị gián đoạn bởi Covid 19, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và khu vực, đạt 2,91%. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng với Chỉ số VNIndex trong tháng 1/2021 đã vượt đỉnh lịch sử đạt trên 1.200 điểm. Bất chấp Covid 19, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% GDP. Trong năm 2020, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước là nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động vốn chính cho nền kinh tế.

Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vì thu hút vốn bằng giá trị nội tại

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, thị trường chứng khoán quốc tế liên tục trải qua những biến động mạnh. Sự tăng điểm của thị trường không hoàn toàn phản ánh thực tế nền kinh tế, mà đến từ các yếu tố kĩ thuật.

Trải qua hai cuộc khủng hoảng, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế là thị trường hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế. GDP liên tục tăng trưởng dương, thuộc top cao trong khu vực. Kết quả trên đạt được là do Việt Nam đã kiên định thực hiện 1 số trụ cột quan trong.

Thứ nhất, thành công của hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế và chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, cùng với hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, chúng ta về cơ bản đã giải quyết được tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Thứ ba, phát triển thị trường chứng khoán, tuy tuổi đời còn non trẻ song đây đang dần là xương sống cho kênh huy động vốn của nền kinh tế. Chính phủ cùng UBCK liên tục hoàn thiện thể chế quản lý bằng hàng loạt các văn bản pháp luật, qua đó lành mạnh hóa thị trường, tạo ra kênh đầu tư đáng tin cậy cho các nhà đầu tư và kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thứ tư, tháo gỡ được nút thắt cổ chai về mặt cơ sở hạ tầng kìm hãm kinh tế phát triển trước đây: Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường không được cải thiện và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, nhân tố chính đóng góp vào nội lực mới của nền kinh tế chính là sự cải thiện của chất lượng quản trị thể chế. Các thủ tục hành chính trở nên tinh gọn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt trong việc làm ăn. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang triển khai các dự án chính phủ điện tử, từ đó tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của thể chế chính trị, phát triển nền kinh tế số.

Mặc dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song với sự quyết tâm cao của Đảng và sự đồng lòng của người dân, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kép trong điều kiện bình thường mới. Và Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn nước ngoài và còn hấp dẫn hơn từ năm 2021, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này nếu đảm bảo được những yếu tố sau:

Một là, tuy dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song phải được kiểm soát nhờ sự chủ động trong việc nhập vắc xin của Chính Phủ và kinh nghiệm chống dịch thành công từ năm 2020.

Hai là, nhu cầu với hàng hóa Việt Nam của thị trường nước ngoài vẫn tăng trưởng nhờ chúng ta kí kết thành công các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sức tiêu thụ của gần một trăm triệu dân trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta nằm trong làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, tạo ra cơ hội cho Việt Nam thành công xưởng mới của thế giới.

Ba là, sau hai cuộc khủng hoảng, Việt Nam đã dần hoàn thiện mình để có vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế ASEAN sôi động đang kết nối với khu vực kinh tế Đông Á. Đây vốn là những thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới.

Đó cũng chính là những cơ sở khả thi để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021.