Việt Nam: Từ 'nhỏ bé' đến 'vĩ đại', kỳ tích kinh tế khiến thế giới kinh ngạc

Kỳ Văn
Trên trang Sputnik News, tác giả Thu Nguyễn cho rằng, “từ nhỏ bé đến vĩ đại” là cách mà người ta mô tả quá trình Việt Nam lột xác hoàn toàn, chuyển mình từ một trong những nền kinh tế nhỏ bé sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Việt Nam: Từ nhỏ bé đến vĩ đại, kỳ tích kinh tế khiến thế giới kinh ngạc
Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Việt An)

Kỳ tích kinh tế

Đây không phải lần đầu tiên người ta đi tìm bí mật đằng sau câu chuyện thành công của Việt Nam và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối cùng. Có rất nhiều điều Việt Nam làm được khiến thế giới phải kinh ngạc, nhất là với xuất phát điểm thấp và chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh gây ra.

Ngày 29/9, trang The Diplomat đăng tải bài viết có tựa đề “Vì sao tương lai kinh tế Việt Nam tươi sáng và ngày càng tươi sáng hơn?” của tác giả Vincenzo Caporale, trong đó nêu bật câu chuyện thành công và kỳ tích kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam.

Theo tác giả, dù còn tồn tại một số khó khăn tiềm ẩn, nhưng Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất tốt để tận dụng các lợi thế về kinh tế.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022, tăng từ 6% lên 7%. Đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể và Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong số các nền kinh tế châu Á được IMF điều chỉnh dự báo.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 5,3% lên 7,2%, con số cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Á và Đông Nam Á.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã làm được điều mà không phải bất kỳ quốc gia nào cũng làm được.

Theo tác giả Vincenzo Caporale: “Mặc dù kỳ tích kinh tế của Việt Nam có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng với những ai đã theo dõi sát sao Việt Nam trong vài thập niên qua thì đây là điều đã được dự báo trước”.

Từ “nhỏ bé” đến “vĩ đại”

The Diplomat cho rằng, một cách lặng lẽ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nền kinh tế nhỏ bé nhất sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, kể cả khi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Năm 1955, những thiếu hụt kinh tế và căng thẳng toàn cầu khiến kinh tế Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế yếu nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng GDP là 2,8%. Năm 1986, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này lên tới 378%.

Tuy nhiên, đến năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình sử dụng các lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực với chiến lược Đổi mới - công cuộc tái thiết đất nước cũng bắt đầu từ đây một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.

Chính sách Đổi mới khuyến khích công nghiệp tư nhân, công nhận quyền tư hữu về ruộng đất và xóa bỏ canh tác tập thể. Những thay đổi này đã đưa Việt Nam tiến tới một trong những giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất và ấn tượng nhất trong lịch sử thế giới.

The Diplomat lưu ý: “Khi Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cải cách, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trong khu vực, với tỷ lệ nghèo trên 70%. Đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5% và hơn 10 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo chỉ trong những năm 2010”.

Với hàng loạt những thắng lợi trên "mặt trận" kinh tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng gần gấp 10 lần, từ dưới 300 USD vào những năm 1980 lên 2.800 USD vào năm 2020.

Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng và chi phí lao động vẫn ở mức thấp đã khiến quốc gia này trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn để đầu tư.

Theo tác giả Vincenzo Caporale: “Việt Nam hiện đóng vai trò một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng dệt may, giày dép và sản xuất điện tử”.

Hàng dệt may và giày dép chiếm 18% xuất khẩu trong năm 2018, trong khi hàng điện tử và thiết bị điện chiếm 40%. Các công ty lớn như Adidas, Nike và Samsung, cùng với nhiều công ty khác, đã và đang biến Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất của họ.

Không có gì ngạc nhiên khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã tăng hơn 200 lần kể từ năm 1986, từ 40.000 USD năm 1986 lên khoảng 15,8 tỷ USD vào năm 2018. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 19% từ năm 2020 đến năm 2021.

The Diplomat đánh giá: "Việt Nam đã được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển sản xuất sang quốc gia này nhằm tận dụng lợi thế chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19”.

Lấy ví dụ, Foxconn Hon Hai, nhà sản xuất điện tử nổi tiếng có hợp đồng với tất cả các công ty công nghệ lớn, bao gồm cả gã khổng lồ Apple, tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam.

Gần đây, Google đã thông báo rằng họ có kế hoạch chuyển một nửa lượng sản xuất điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft chọn Việt Nam làm nơi sản xuất Xbox.

Điểm đến đầu tư lâu dài

Tác giả Vincenzo Caporale cũng nhận thấy, Việt Nam phải đối mặt những trở ngại nghiêm trọng với tăng trưởng trong tương lai. Yếu tố hạn chế nhất là quy mô dân số của đất nước.

Tương tự, lực lượng lao động của Việt Nam có kỹ năng tương đối thấp, nguồn cung năng lượng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 47 trong số 160 quốc gia về lĩnh vực này.

Song, do hậu quả của sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cũng như việc Việt Nam đóng vai trò là một điểm đến đầu tư hấp dẫn ngoài. Điều đó có thể kỳ vọng rằng, tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ có xu hướng ngày càng tích cực trong những năm tới.

Theo giới quan sát, tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt chính là yếu tố giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư lâu dài từ các quỹ ngoại trên toàn cầu.

Quỹ đầu tư Pyn Elite của Phần Lan sau 15 năm đầu tư tại Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đầu tư lâu dài trong thời gian tới.

Theo ông Petri Deryng, thành viên Hội đồng Quản trị PYN Fund Management, quỹ đầu tư Phần Lan nhận thấy cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam “rất tuyệt vời, sự tăng trưởng về lâu dài là ở đây”.

Xuất khẩu 15 năm qua rất tốt, tăng gấp 5 lần thị phần trên thế giới. Các chính sách của Chính phủ cho vốn FDI cũng rất tốt nếu nhìn về dài hạn, bất kể là thời gian nào; chính sách của Việt Nam vẫn không đổi, giữ cho đất nước phát triển tốt.

Ông Petri Deryng cho hay: “Các nhà đầu tư như chúng tôi cảm thấy an tâm khi mọi thứ đều hòa hợp như vậy”.

Sputnik News dẫn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê ngày 29/9 cho biết, tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam ước tính đạt 13,67% so với cùng kỳ. Cần nhấn mạnh, đây là mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 12 năm trở lại đây và vượt qua mọi dự báo của các chuyên gia cũng như những định chế tài chính lớn toàn cầu.

Với niềm tin vững chắc từ các nhà đầu tư nước ngoài, chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Chính phủ, quyết tâm của từng người dân, giới chuyên gia đặc biệt lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm nay mà cả các năm tới.