Ngân hàng Gunma, có trụ sở chính ở phía Tây Bắc Tokyo, sẽ mở văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm tài chính này. Trong khi đó, ngân hàng Yokohama sẽ đóng cửa văn phòng đại diện tại London trong tháng này cùng với việc mở chi nhánh tại Singapore vào tháng 8.
Những động thái này diễn ra vào thời điểm chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các nhà sản xuất xây dựng nhà máy ở Đông Nam Á, khu vực được đánh giá là địa điểm lý tưởng cho kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Theo bên cho vay, văn phòng đại diện Gunma Bank tại Việt Nam "sẽ tập trung vào việc thu thập thông tin để cung cấp cho khách hàng ở quê nhà những kiến thức cần thiết về điều kiện thị trường và thủ tục hành chính khi mở rộng kinh doanh tại Việt Nam".
Ngân hàng có trụ sở tại tỉnh Gunma của Nhật Bản, nơi đây cũng là căn cứ địa của các nhà cung cấp ngành công nghiệp ô tô Sanden Holdings và Mitsuba, cũng như Meisei Electric, công ty sản xuất thiết bị khí tượng và máy đo địa chấn.
Trong khi đó, ngân hàng này lại đang có kế hoạch hạn chế hoạt động tại Hong Kong, với lý do nhu cầu tại khu vực này bị giảm sút. Ngoài ra, một công ty con của ngân hàng sẽ bị đóng cửa và thay thế bằng một văn phòng đại diện. Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cơ sở quốc tế thứ 5 của Gunma Bank và là thứ 4 tại châu Á.
Tương tự, những động thái mới nhất của Bank of Yokohama tại Singapore cũng đã cho thấy sự quan tâm của họ đối với Đông Nam Á, nơi trước đây ngân hàng này chỉ có văn phòng đại diện tại Bangkok.
Sau đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã chọn Việt Nam và Indonesia làm điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của ông trong tuần này. Theo đó, Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất về việc áp dụng quy trình đi lại ngắn ngày.
Quy trình này cho phép các trường hợp ưu tiên của một bên nhập cảnh bên kia với thời hạn lưu trú ngắn ngày để thực hiện một số hoạt động như đầu tư, thương mại, lao động kỹ thuật cao, ngoại giao, công vụ… mà không phải cách ly tập trung.
Chính quyền của ông Suga đã có kế hoạch trợ tới một nửa chi phí cho các công ty lớn và 2/3 cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ hơn khi họ đầu tư vào các nước khu vực ASEAN. Các khoản trợ cấp được áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng sản xuất tập trung ở một quốc gia.
Những chính sách này là nhằm hỗ trợ các công ty mở rộng số lượng quốc gia nơi họ có hoạt động ở nước ngoài, chứ không phải để lôi kéo họ rời khỏi bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù Trung Quốc không được nêu tên cụ thể trong kế hoạch, nhưng mục tiêu dường như là giảm sự phụ thuộc vào quốc gia này.