Vietcap: Nếu thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng và tôn mạ, Hòa Phát sẽ được hưởng lợi lớn nhất

Tuyết Trang
HPG sẽ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá đối với cả 2 nhóm sản phẩm do công ty kinh doanh cả HRC (với thị phần 5 tháng đầu năm 2024 đạt 47%) và tôn mạ (thị phần 5 tháng đầu năm 2024 đạt 8%).

Theo 1 báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap cho rằng những lo ngại về việc thép của Trung Quốc bán phá giá đang xuất hiện trở lại. Được biết, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng mạnh do dư thừa công suất và ngành BĐS kém khả quan. Cụ thể, năm 2023, thép xuất khẩu từ Trung Quốc đã tăng 39% so với năm trước, đạt 92 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2023 tương đương với giai đoạn 2014-2016 - khi thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường toàn cầu,

Chứng khoán Vietcap cho rằng những số liệu này còn có thể tăng trong năm 2024, do thép xuất khẩu từ Trung Quốc đã tăng 25% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho lượng thép xuất khẩu tăng gần đây của Trung Quốc, với sản lượng tăng 84% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024. Điều này đã thúc đẩy 2 nhà sản xuất thép HRC trong nước của Việt Nam (Hòa Phát và Formosa) và 5 nhà sản xuất tôn mạ (trong đó bao gồm Hoa Sen Group và Nam Kim Group) đệ trình lên Bộ Công Thương đề xuất điều tra chống bán phá giá. Trọng tâm của các cuộc điều tra này là HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ và tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đối với điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu, vào ngày 14/06/2024, Bộ Công Thương đã xác nhận hồ sơ của HPG và Formosa đầy đủ và hợp lệ. Bộ Công Thương sẽ thẩm định hồ sơ trong vòng 45 ngày tiếp theo. Sau khi thẩm định, Bộ trưởng có 15 ngày để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu hay không. Vietcap dự kiến Bộ Công Thương sẽ công bố quyết định điều tra CBPG chính thức đối với HRC vào khoảng giữa tháng 8/2024.

Tuy nhiên, Vietcap cho rằng khả năng áp dụng thuế Chống bán phá giá đối với HRC là khá thấp do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu HRC. Nhu cầu HRC hàng năm của Việt Nam là 12-14 triệu tấn, vượt xa nguồn cung trong nước (4-5 triệu tấn) và công suất tối đa trong nước là 8-9 triệu tấn. Do đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá có thể gia tăng vị thế thống lĩnh thị trường của HPG và Formosa để tăng giá bán HRC nội địa, tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất tôn mạ và ống thép hạ nguồn.

Còn đối với điều tra chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu, vào ngày 14/06/2024, Bộ Công Thương công bố quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, theo mã vụ việc mới là AD19. Trong 90-150 ngày tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiến hành quá trình điều tra để quyết định có áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc hay không. Theo Vietcap, nếu tìm thấy đủ bằng chứng về việc bán phá giá, biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể sẽ được áp dụng sớm nhất là vào giữa tháng 9/2024.

Nếu thuế chống bán phá giá được áp dụng cho cả HRC và tôn mạ, công ty chứng khoán này cho rằng HPG sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất. Cụ thể, HPG sẽ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá đối với cả 2 nhóm sản phẩm do công ty kinh doanh cả HRC (với thị phần 5 tháng đầu năm 2024 đạt 47%) và tôn mạ (thị phần 5 tháng đầu năm 2024 đạt 8%). Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá đối với HRC sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất tôn mạ trong nước do các công ty này sử dụng HRC làm nguyên liệu đầu vào.

Còn các nhà sản xuất tôn mạ, bao gồm HSG và NKG, sẽ chỉ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ. Vietcap dự đoán HSG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ do công ty nắm giữ tổng thị phần tiêu thụ lớn nhất đối với các sản phẩm này tại Việt Nam.