Vietnam Report công bố Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024

Vietnam Report vừa chính thức công bố Top 10 Địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024, trong khuôn khổ chương trình Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 (VNR500).

Quảng Ninh nằm trong Top 10 địa phươngQuảng Ninh nằm trong Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024

Các địa phương được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Số lượng doanh nghiệp lớn được vào VNR500 trong giai đoạn 2020 - 2024; (2) Môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, thu hút nguồn vốn FDI lớn trong giai đoạn 2023 - 2024; (3) Đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước năm 2023 thông qua thu ngân sách nhà nước (NSNN) và tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với sự tăng trưởng rõ rệt ở nhiều lĩnh vực chủ chốt. Tăng trưởng GDP cả năm 2024 dự báo đạt trên 7% – mức cao nhất kể từ năm 2020. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2024, số lượng dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng ở 44 địa phương, nâng tổng số dự án còn hiệu lực lên 41.720 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 496,69 tỷ USD.

Dưới đây là 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024, theo Vietnam Report.

Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc, với lợi thế nằm gần Hà Nội và được kết nối bởi hệ thống giao thông hiện đại, đặc biệt là cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, đảm bảo tăng trưởng xanh, trở thành một trong những trung tâm lớn nhất của cả nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, sản xuất ô tô, điện tử. Trong năm 2023, thu NSNN của Tỉnh ước đạt 31,2 nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 11/2024, tổng vốn FDI tại Vĩnh Phúc đạt 7,3 tỷ USD, đứng thứ bảy trong khu vực Đồng bằng sông Hồng với 561 dự án còn hiệu lực.

Hà Nội

Hà Nội, với vai trò là trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước, tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2020-2024, Hà Nội đứng thứ hai cả nước về số lượng doanh nghiệp lớn được vinh danh trong Bảng xếp hạng VNR500, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Trong 11 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thu hút thêm 2,06 tỷ USD vốn FDI, nâng tổng số vốn FDI lên hơn 42,17 tỷ USD. Thu NSNN của thành phố năm 2023 ước đạt trên 405 nghìn tỷ đồng, vượt 14,8% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, Hà Nội ước đón gần 5,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Quảng Ninh

Nằm gần các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong những địa phương phát triển năng động nhất Việt Nam. Năm 2023, GRDP của Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,03%, đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ ba cả nước. Đây là năm thứ chín tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng ấn tượng hai con số.

Dù còn nhiều thách thức do thiên tai, Quảng Ninh vẫn kiên cường và duy trì được đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 với nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai như: Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thành phố Đông Triều, Dự án đường nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái… tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối kinh tế liên vùng.

Hải Phòng

Là một trong những thành phố cảng trọng điểm của miền Bắc, Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp, dịch vụ và logistics biển hàng đầu Việt Nam. Năm 2023, thu NSNN của Hải Phòng đứng thứ ba cả nước, ước đạt trên 102 nghìn tỷ đồng; đây là năm thứ hai địa phương thu NSNN đạt trên 100 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng GRDP năm 2023 của Hải Phòng ước đạt 10,34%, đứng thứ năm cả nước và là năm thứ chín liên tiếp duy trì ở mức trên 10%. Nổi lên như một điểm sáng trong khu vực, thành phố hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và logistics.

Hưng Yên

Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và liền kề Hà Nội, Hưng Yên sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nhờ vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Năm 2023, mức tăng trưởng GRDP của Hưng Yên ước tính đạt 10,05%, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong nhóm 10 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 17 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.395 ha đã và sẽ được đầu tư xây dựng. Dự kiến đến năm 2030, số khu công nghiệp sẽ tăng lên 30 với tổng diện tích 9.540 ha.

Đà Nẵng

Đà Nẵng, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của miền Trung, có nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp lớn. Thành phố sở hữu cảng biển quốc tế Tiên Sa và sân bay quốc tế Đà Nẵng giúp mở rộng mạng lưới kết nối, thúc đẩy du lịch, giao thương và hợp tác quốc tế.

Năm 2023, kết quả thu NSNN của Đà Nẵng ước đạt hơn 21,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế tính đến tháng 11/2024 thu hút vốn FDI hơn 6,7 tỷ USD, đứng thứ ba vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 1.052 dự án còn hiệu lực. Nhờ hạ tầng giao thông phát triển và nguồn nhân lực trẻ, Đà Nẵng hướng đến chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, trở thành trung tâm công nghệ phát triển của miền Trung.

Bình Dương

Với nhiều khu công nghiệp hiện đại và quy mô lớn như VSIP (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore), Mỹ Phước, Sóng Thần và Bàu Bàng, Bình Dương đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Năm 2023, Bình Dương đạt tổng vốn FDI đăng ký 40,4 tỷ USD, xếp thứ ba cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Trong 11 tháng năm 2024, tỉnh tiếp tục thu hút thêm vốn FDI, lũy kế đến hết tháng 11/2024 đạt trên 42,3 tỷ USD và vươn lên vị trí á quân.

Đồng Nai

Là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, Đồng Nai đã và đang tập trung phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ và logistics. Các dự án lớn như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, Cảng Phước An cùng các tuyến giao thông kết nối quan trọng đang được triển khai mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Tính đến tháng 11/2024, Đồng Nai ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký đạt 37,19 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước.

TP.HCM

TP.HCM là địa phương có số lượng doanh nghiệp được vinh danh trong Bảng xếp hạng VNR500 giai đoạn 2020-2024 cao nhất cả nước. Với số thu NSNN ước đạt trên 446,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, thành phố khẳng định vị thế là địa phương dẫn đầu cả nước về thu NSNN, góp phần quan trọng vào ngân sách chung của quốc gia. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế là trung tâm kinh tế phía Nam, cửa ngõ thương mại quốc tế, mạng lưới giao thông và hạ tầng hiện đại, TP.HCM là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn FDI của thành phố dẫn đầu cả nước, đạt hơn 58,4 tỷ USD tính đến tháng 11/2024.

Long An

Tọa lạc tại vị trí cửa ngõ quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là mắt xích then chốt trong hệ thống giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, vùng và quốc tế. Long An ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy mạnh phát triển dịch vụ, đặc biệt là thương mại biên giới, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, việc Cảng quốc tế Long An đi vào hoạt động đã tạo ra bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. Lũy kế đến hết tháng 11/2024, Long An thu hút tổng vốn FDI đạt trên 14,2 tỷ USD, nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI.

Mỗi địa phương trong danh sách Top 10 Địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn 2024 đều có những lợi thế cạnh tranh rõ rệt, từ môi trường đầu tư thuận lợi, vị trí địa lý chiến lược đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách hành chính hiệu quả. Những yếu tố này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng sức hấp dẫn của các địa phương đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và toàn diện.

An Nguyên (t/h)