Vinaconex nói gì về việc giải phóng mặt bằng cao tốc Láng - Hòa Lạc

Tuyết Trang
Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (Vinaconex) có một số ý kiến liên quan đến dự án cao tốc Láng - Hòa Lạc về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB).
Vinaconex nói gì về việc giải phóng mặt bằng cao tốc Láng - Hòa Lạc- Ảnh 1.

Vinaconex vướng lùm xùm liên quan đến dự án 7.527 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP phố Hà Nội Hồ Vân Nga cũng nêu kiến nghị của cử tri xung quanh việc Vinaconex nợ dân tiền giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu của MarketTimes, trước đó, ngày 16/10/2018, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc (Vinaconex) cùng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất đã rà soát công tác giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc. Theo đó, trên địa bàn huyện Thạch Thất còn nợ là 16,6 tỷ đồng.

Gần một năm sau đó (16/8/2019), Ban quản lý dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc đã chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất 2,1 tỷ đồng; số tiền còn lại chưa chuyển là 14,9 tỷ đồng.

Trong tổng số tiền nợ 14,9 tỷ đồng, thì có 14,5 tỷ là tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB Trung tâm phát triển quỹ đất còn phải chi trả cho tổ chức hộ gia đình cá nhân (chủ yếu là tiền hỗ trợ tạm cư); 393.038.110 đồng là chi phí thực hiện công tác GPMB của trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất.

Giải thích về số nợ trên, phía Vinaconex cho rằng, đại diện Tổng công ty là Ban QLDA ĐTXD mở rộng đường Láng - Hòa Lạc (BQLDA Láng – Hòa Lạc) đã ký hợp đồng với Hội đồng GPMB huyện Thạch Thất (nay “là Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất) thực hiện công tác thu hồi đất và GPMB phục vụ thi công dự án.

Theo trình tự, căn cứ vào các quyết định phê duyệt phương án kinh phí GPMB của cấp có thẩm quyền, BQLDA Láng – Hòa Lạc có trách nhiệm tập hợp hồ sơ và làm thủ tục tạm ứng kinh phí GPMB từ Sở Giao dịch kho bạc Nhà nước kiểm soát chi, Sở Tài chính Hà Nội bố trí nguồn kinh phí, Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội thực hiện thanh toán, Hội đồng GPMB huyện Thạch Thất trực tiếp chi trả tiền GPMB cho các đối tượng bị thu hồi đất.

Sau khi Hội đồng GPMB huyện Thạch Thất chi trả xong tiền GPMB, BQLDA Láng – Hòa Lạc tiếp nhận các hồ sơ, chứng từ của Hội đồng GPMB huyện Thạch Thất để làm thủ tục hoàn tạm ứng cho Sở Giao dịch kho bạc Nhà nước theo quy định.

Theo Vinaconex, toàn bộ nguồn kinh phí để thực hiện dự án, trong đó bao gồm cả nguồn kinh phí GPMB đều do Ngân sách Nhà nước bố trí nguồn, chứ không phải bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Vinaconex.

Về các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, Vinaconex giải trình như sau:

Ngày 19/12/2014, Vinaconex đã có văn bản số 02837/2014/CV-XD-LHL gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị bố trí vốn cho dự án, trong đó kiến nghị xử lý quyết toán khoản tiền 11,7 tỉ đồng bồi thường cho 2 doanh nghiệp là Lisohaka và Chè Minh Nguyệt để hoàn tạm ứng với Sở Giao dịch kho bạc nhà nước.

Ngày 16/10/2018, trên cơ sở kết luận cuộc họp của liên ngành Thành phố Hà Nội về quyết toán chi phí GPMB, BQLDA Láng – Hòa Lạc đã tổ chức cuộc họp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất và Ban QLDA huyện Thạch Thất để thống nhất số liệu tổng hợp và giải quyết các tồn tại về công tác GPMB, trong đó biên bản cuộc họp đã thể hiện.

Ngày 8/10/2019, Tổng Công ty Vinaconex đã có văn bản số 1817/2019/CV/BXD-LHL gửi Sở Giao dịch kho bạc nhà nước đề nghị xem xét kiểm soát tạm ứng nguồn vốn 11,7 tỉ đồng (của hai đơn vị Lisohaka và chè Minh Nguyệt) để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất chi trả cho các hộ dân đã có quyết định phê duyệt phương án GPMB (kèm theo giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, các chứng từ tạm ứng cho 2 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, do chưa có dự toán, phương án đền bù chi tiết cho từng đơn vị theo yêu cầu bổ sung (Phiếu giao nhận hồ sơ gửi kèm) nên Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước không có cơ sở để tạm ứng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất.

Như vậy, căn cứ vào nguồn vốn chi trả công tác GPMB do ngân sách Nhà nước thực hiện và do chưa đủ hồ sơ hoàn ứng tổng số tiền gần 13,4 tỉ đồng (đến thời điểm hiện nay còn 12,2 tỉ đồng) theo quy định nên Sở Giao dịch kho bạc nhà nước không có cơ sở để tiếp tục tạm ứng.

Theo thiết kế, Dự án đường Láng-Hòa Lạc mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 7.527 tỷ đồng, tổng chiều dài 29,264 km, mặt cắt từ 140 đến 170 m, gồm bốn làn xe cao tốc và hai làn xe nội bộ, hơn 50 cầu, hầm chui các loại. Ðây sẽ là tuyến đường hiện đại, đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội.

Dự án được khởi công xây dựng từ 20/3/2005 do Vinaconex làm tổng thầu.

Theo Vinaconex, về nguồn vốn của dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư (đại diện Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long), Tổng Công ty Vinaconex được giao làm Tổng thầu xây lắp; đồng thời Bộ Giao thông Vận tải cũng giao cho Tổng Công ty Vinaconex làm đại diện chủ đầu tư về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (GPMB).