Trưa 27/2, trao đổi với PV , chị Lương Thị Thủy (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện đã nhận được một số cuộc điện thoại của người dân báo về việc đã nhặt được số tiền nằm trong số 59 triệu đồng mà công ty của chị Thủy đánh rơi trên QL 51.
Cụ thể, đã có 3 người liên hệ muốn gặp chị Thủy để trả lại số tiền họ nhặt được. Tổng số tiền mà 3 người này nhặt được là khoảng 7,5 triệu đồng.
Riêng số tiền 51,5 triệu đồng còn lại, theo một người dân chứng kiến vụ việc cho biết, có một người đàn ông đi xe ba gác đã nhặt được. Tuy nhiên hiện vẫn chưa thấy người này liên hệ trả lại tiền.
Phía công ty của chị Thủy cho biết, đơn vị chưa trình báo công an về sự việc, chỉ nhờ thông tin trên báo chí cũng như một vài trang mạng để thông qua đó nhờ những người dân tốt bụng nhặt được tiền mang trả lại. Chị Thủy cho biết đây là tiền dùng để trả lương cho công nhân.
Như đã đưa tin, trưa ngày 26/2, khi ông chủ người Hàn Quốc của chị Lương Thị Thủy đi ô tô trên quốc lộ 51 để về trụ sở công ty, do sơ ý đã để quên tiền cùng một số giấy tờ khác trong túi trên mặt kính phía đầu xe.
Khi xe chạy đến khu vực xã An Phước, túi đựng tiền trên xe rớt xuống đường. Toàn bộ sự việc đã được ghi lại bởi camera an ninh nhà dân bên tuyến quốc lộ 51. Theo hình ảnh trong clip, chỉ trong thời gian ngắn, một số người gần đó đã ùa ra đường cùng vài người đi đường dừng lại nhặt hết số tiền bị rơi.
Sự việc xảy ra, những người trên xe ô tô vẫn không hay biết mà tiếp tục di chuyển; khi về đến trụ sở công ty mới phát hiện sự việc.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Trung Tín (văn phòng luật sư Hoa Sen) cho biết, theo Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, khi phát hiện tài sản của người khác bị bỏ quên hoặc đánh rơi thì người phát hiện phải thông báo để trả lại tài sản. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc công an nơi gần nhất.
Nếu nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt có thể bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Cũng tại Nghị định trên, nếu nhặt được, không trả lại hoặc không báo cho cơ quan có thẩm quyền mà còn sử dụng trái phép tài sản đó thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Căn cứ pháp lý điều 176 tội chiếm giữ trái phép tài sản BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, ai nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên.