Trong đó khách lưu trú đạt 110.000 lượt khách (tăng 22% so với năm 2023); khách quốc tế 1.200 lượt khách. Tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt trên 635 tỷ đồng, tăng 27%.
Các điểm du lịch nổi tiếng của Nghệ An có lượng du khách tăng cao phải kể đến Quê Bác (Nam Đàn), Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương), Đảo Chè (Thanh Chương)… Tuy nhiên, dẫn đầu lượng khách phải kể đến Cửa Lò.
Trong dịp nghỉ lễ này, thị xã Cửa Lò đón khoảng 180.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú khoảng 67.000 lượt khách. Trung bình tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng chung, trong 8 tháng đầu năm 2024, Cửa Lò ước đạt 4.650.000 lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 120% kế hoạch năm.
Trong đó, khách lưu trú ước đạt 1.720.000 lượt, tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 119% so với kế hoạch năm. Khách quốc tế 6000 người, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu các hoạt động du lịch ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, đạt 114% kế hoạch năm.
Thị xã Cửa Lò hiện có 40 di sản văn hóa vật thể đã được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng gồm 4 di tích Quốc gia (đền Vạn Lộc; nhà thờ họ Hoàng Văn; đền Mai Bảng; nhà thờ, khu lăng mộ Nguyễn Trọng Đạt) và 9 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn thị xã Cửa Lò còn tồn tại và phát triển 6 loại hình với 97 di sản văn hóa phi vật thể. Thị xã Cửa Lò có 5 lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ 2 - 3 năm một lần, có 1 Lễ hội Du lịch được tổ chức thường niên mỗi năm một lần.
Chia sẻ trên Báo Nghệ An, ông Hoàng Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, với sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa, thời gian qua, thị xã đã thu hút đông đảo khách du lịch, người dân địa phương; trung bình tại các điểm di tích trọng điểm trên địa bàn (như đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, đền Bàu Lối…) mỗi năm có khoảng 15 triệu lượt du khách đến thăm viếng.
Để bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thị xã đã xây dựng chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, cung cấp thông tin, trang bị những kiến thức cơ bản, các kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp tham gia một cách có hiệu quả vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; để doanh nghiệp thấy được vai trò của mình trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc biệt là vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa của địa phương.
Đồng thời, thị xã cũng đã xây dựng quy định đối với các doanh nghiệp được hưởng lợi từ di sản phải có kế hoạch đầu tư trở lại vào việc bảo tồn di sản như một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự nguyện trích một phần những khoản thu được từ khai thác di sản để quay ngược trở lại đóng góp và thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và gìn giữ di sản.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm, lượng du khách đến Nghệ An đạt gần 5,5 triệu lượt, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 64% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 3,4 triệu lượt, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 62% kế hoạch năm; khách quốc tế đạt 48.200 lượt, bằng 148% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 16.195 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 6.257 tỷ đồng, bằng 141% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 70% kế hoạch năm 2024.