Xuất khẩu nhạc Việt: Điểm đến có còn xa?

Admin
Khá nhiều dự án âm nhạc được các nghệ sĩ Việt nỗ lực đưa ra nước ngoài nhưng phần lớn mang tính giao lưu và quảng bá văn hóa, chưa gây được tiếng vang và chưa thu được lợi nhuận ở thị trường quốc tế.
Biểu diễn giao lưu âm nhạc giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. (Nguồn: Livespace Việt Nam)
Biểu diễn giao lưu âm nhạc giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. (Nguồn: Livespace Việt Nam)

Đây không chỉ là trăn trở của cá nhân nghệ sĩ, mà còn là bài toán cho những người trong ngành công nghiệp âm nhạc suy nghĩ tìm lời giải trong chuỗi tọa đàm trực tuyến Livespace Pro vừa được Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp một số đơn vị tổ chức.

Câu chuyện sản phẩm

Là nhà sáng lập Hot Panda Media - đơn vị đưa những sản phẩm của ca sĩ Việt ra thị trường nước ngoài, Đông Nguyễn luôn muốn giúp đỡ những nghệ sĩ Việt thực hiện ước mơ. Theo anh, ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam vẫn rất trẻ và còn thiếu rất nhiều điều kiện. Bởi vậy, các đơn vị như Hot Panda Media phải thích nghi với cộng đồng người nghe tại Việt Nam, đồng thời xây dựng sự hiện diện của các nghệ sĩ trên các nền tảng quốc tế.

Đông Nguyễn cho rằng vấn đề mấu chốt trong xuất khẩu nhạc Việt vẫn là cần sản phẩm tốt với chất lượng đúng chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, mỗi nghệ sĩ cần phải trang bị cho mình kỹ năng truyền tải âm nhạc, bằng cách thích ứng, nghiên cứu để đón đầu xu hướng và nắm bắt cơ hội.

Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Quốc Trung – nhà sáng lập Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) tại Việt Nam, nhấn mạnh trước khi nói đến việc quảng bá hay doanh thu thì việc đầu tiên là các nghệ sĩ cần sản phẩm âm nhạc hoàn hảo và độc đáo.

Ông nói: “Câu chuyện đầu tiên vẫn là sản phẩm. Nghệ sĩ chúng ta ít có cơ hội cọ xát ở môi trường quốc tế nên khó nhận biết sản phẩm của mình đang ở đâu và rất dễ ngộ nhận. Nếu các bạn đưa ra một sản phẩm chưa được hoàn hảo và chưa độc đáo thì khả năng cạnh tranh quốc tế không chỉ thấp mà còn ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng sau này”.

Cũng theo nhạc sĩ Quốc Trung, thách thức đầu tiên với các nghệ sĩ chính là việc dồn hết tâm lực và dám đánh đổi mọi thứ để làm nhạc. Thách thức thứ hai là khả năng đánh giá chất lượng sản phẩm của chính mình.

Ông chia sẻ: “Bên cạnh sự trải nghiệm trong môi trường công nghiệp âm nhạc, những lời khuyên chân thành của giới chuyên môn rất quan trọng với nghệ sĩ. Định giá sản phẩm của mình luôn là điều rất khó với các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là nghệ sĩ độc lập. Tuy nhiên, chỉ khi đánh giá đúng chất lượng âm nhạc của mình, chúng ta mới có thể đưa nó lên vị trí tốt nhất”.

Cuộc cạnh tranh của công nghệ số

Từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ Việt Nam như Đen Vâu, Sơn Tùng M-TP, ông Antoine El Iman, Giám đốc điều hành đơn vị phân phối nhạc số Believe Music cho biết, dạng thức nghe nhạc hiện nay đã đổi khác. Nếu nghệ sĩ không biết cách thay đổi và nuôi dưỡng tên tuổi của mình trên nền tảng số thì sẽ dần bị khán giả quên. Bởi vậy, họ cần có chiến lược mới để mỗi khi có sản phẩm ra sẽ tiếp cận với khán giả theo cách tốt nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Pháp, bà Durand Sabrina, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, ngành công nghiệp âm nhạc tại đây luôn tập trung vào các phương thức nghe nhạc mới trên các nền tảng, có những ê-kíp làm việc theo phong cách của từng ca sĩ, theo sát nền tảng âm nhạc trực tuyến. Pháp cũng có những cơ quan hỗ trợ cho các nghệ sĩ thông tin về các liên hoan, hãng phát hành, truyền thông… làm việc ở cấp độ vùng, để tiếp cận khán giả địa phương.

Theo thông tin của bà Céline Lugué, Trung tâm Âm nhạc quốc gia Pháp - CNM, ngành ghi âm của Pháp đứng thứ năm trên thế giới (sau Mỹ, Nhật, Đức và Anh). Doanh số xuất khẩu âm nhạc của Pháp là khoảng 316 triệu Euro (năm 2019), trong đó 79% đến từ các dịch vụ âm nhạc streaming (phát nhạc trực tuyến).

Vẫn phải có khát vọng

Khó khăn vậy nhưng đáng ghi nhận là ở Việt Nam vẫn có những ca sĩ, nhạc sĩ không ngừng cống hiến, sáng tạo để thực hiện khát vọng chinh phục âm nhạc quốc tế dù họ biết đích đến còn xa.

Theo ca sĩ Vũ Đình Trọng Thắng, nhóm nhạc Ngọt, bí quyết để nhóm anh kiên trì với sự nghiệp là luôn nhớ lý do ban đầu khi làm nhạc là tìm thấy mục đích và niềm hạnh phúc khi được chia sẻ với thế giới xung quanh.

Ca sĩ Trang Lê, Limebócx - nhóm nhạc Việt Nam đã biểu diễn tại nhiều quốc gia cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi được khán giả thế giới nghe nhiều hơn. Trước hết, chúng tôi hiểu rằng, mình phải có sản phẩm, đi diễn thường xuyên, để khán giả trong nước biết đến mình trước khi ra nước ngoài. Chúng tôi hiểu cần có sự kết hợp giữa cá tính với những gì được nghe, được tiếp cận trên thế giới, nhưng phải làm ra cái riêng chứ không phải đi bắt chước”.

Với ông Antoine El Iman, xuất khẩu âm nhạc là con đường dài hơi, cần có tiềm lực về tài chính, cũng như đầu tư thời gian. Lời khuyên của ông cho những ca sĩ Việt Nam là tập trung phát triển trong nước trước, với số lượng người nghe đông đảo và tiềm năng kinh doanh lớn. Tiếp đó, có thể là những nước trong khu vực.

Giám đốc điều hành Believe Music đưa ra dẫn chứng nhiều ca sĩ Indonesia đã hướng tới thị trường Philippines bởi người nghe có sự tương đồng văn hóa. Cùng với biểu diễn trực tiếp, họ cũng phát triển trên các nền tảng nhạc số ở nước láng giềng.

Nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định, mỗi nghệ sĩ cần phải có khát vọng cũng như dành thời gian để tập trung cho việc sản xuất âm nhạc. Ông tin rằng, nếu có đam mê cùng tài năng và làm việc hết mình thì chắn chắn thành quả sẽ đến.