Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh

Admin
Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero-covid”, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu (XK) các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm sang thị trường này lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT vừa cho biết, sau năm 2022 thành công với tổng doanh thu của các doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 tăng mạnh 29%/86% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu bị dồn nén sau dịch tại thị trường Mỹ.

Tổng doanh thu trong quý 1/2023 của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết giảm mạnh 32% svck năm trước do cả giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu đều giảm mạnh.

Biên lợi nhuận gộp ngành thu hẹp 5,1 điểm % do giá bán trung bình giảm trong khi chi phí sản xuất tiếp tục neo ở mức cao. Do đó, tổng lợi nhuận ròng trong quý 1/2023 của các doanh nghiệp giảm 74% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo VNDIRECT, thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi. Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero-covid” giúp nhập khẩu thủy sản của nước này tăng 13% so với cùng kỳ trong quý 1/2023. Tuy nhiên, kim ngạch XK các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5 lại giảm mạnh lần lượt 68% và 30% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc không như mong đợi.

Nguyên nhân là do tại thị trường Trung Quốc, giá thịt lợn điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra. Giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc của Việt Nam giảm do cạnh tranh từ các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador.

Đồng thời, nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc đang khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác.

“Chúng tôi dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm”, báo cáo của VNDIRECT cho biết.

Hiện người dân Trung Quốc đang có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023 khi các hộ gia đình có thể phải thắt chặt chi tiêu để trả nợ trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 đã đạt mức kỷ lục.

“Chi tiêu hộ gia đình Trung Quốc tăng nhanh hơn thu nhập trong đại dịch do thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Mức nợ hộ gia đình đã tăng khoảng 7%, từ mức 56% lên 63% trong 3 năm qua.

Nợ gia tăng là một trong những lý do khiến các hộ gia đình Trung Quốc không vay thêm nữa bất chấp lãi suất thấp kỷ lục và các chính sách nới lỏng tiền tệ của nước này”, VNDIRECT nhận định.