Ngày 13 tháng Giêng hàng năm, lễ hội rước lợn làng La Phù diễn ra trong sự chờ mong của cả dân làng. Lễ rước "ông lợn" của người dân La Phù để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng, Đức Tam Lang Đại Vương, lạc tướng thời vua Hùng thứ 18. |
Đầu giờ chiều, không khí chuẩn bị cho lễ rước lợn đã rộn ràng, len lỏi khắp ngõ ngách trong làng La Phù. "Ông lợn" của xóm Thống Nhất II, sau quá trình tuyển chọn kỹ càng, được xóm cùng chăm nuôi theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt với cám, đường, các loại hoa quả như chuối, thanh long, táo... Tiêu chuẩn một “ông lợn” đạt yêu cầu phải có thân dài, mõm dài, tai to, da trắng và thành quả chăm sóc của xóm với "ông lợn" nặng tới 220 kg. |
Việc trang điểm cầu kì và quan trọng nhất là tấm mỡ chài phủ lên thân, tấm mỡ bóc tách cẩn thận, không rách, nứt và dàn đều lên đầu và thân. Trang trí mỗi "ông lợn" thường diễn ra trong khoảng 2-3 tiếng và đòi hỏi người làm phải khéo tay và tỉ mỉ. |
Sau khi "trang điểm", từ 19h, "ông lợn" được rước ra đình làng dưới sự hướng dẫn của các bậc cao niên. |
Các xóm sẽ rước lợn quanh làng trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó mới vào sân đình lúc 21h. |
Đúng 21h, 17 “ông lợn” của 10 xóm lần lượt được rước vào đình tế Thành hoàng làng. Do các “ông lợn” có trọng lượng lớn, cồng kềnh nên đoàn rước khá vất vả để đưa vào trong đình, mất hơn một tiếng mới rước xong. Những người tham gia khiêng kiệu đều là thanh niên chưa vợ, mỗi "ông lợn" cần tới hơn chục người khiêng. |
17 "ông lợn" rước quanh làng, sẽ có 6 "ông lợn" được tuyển chọn đưa vào gian trong của đình, 11 "ông lợn" khác sẽ được lễ tế ở gian ngoài. |
Sau đó, lúc 23h, các cụ cao niên làm lễ liên tục đến 2h sáng ngày 14 tháng Giêng, rồi 17 “ông lợn” sẽ được trả về xóm xẻ thịt phân phát cho người dân. |