Báo Anh điểm danh những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vững vàng trong đại dịch

Kỳ Văn
Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong năm nay, tạp chí The Economist (Anh) nhận định, việc hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giúp kinh tế Việt Nam duy trì hoạt động trong thời kỳ đại dịch.
Báo Anh điểm danh những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vững vàng trong đại dịch
Việt Nam dường như đang ở trong giai đoạn đầu của việc phấn đấu trở thành một “phép màu” Đông Á về kinh tế. (Nguồn: Vingroup)

Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Có thể thấy, sự cởi mở đối với thương mại và đầu tư đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và kéo dài.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua. Chính phủ Việt Nam đặt kỳ vọng kinh tế Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu này, kinh tế Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm. Vậy bí quyết thành công của Việt Nam là gì và liệu Việt Nam có thể duy trì sự thành công này hay không?

Có nhiều lý do khiến Việt Nam thường được so sánh với Trung Quốc những năm 1990 hoặc đầu năm 2000. Cả hai đều đặt trọng tâm vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, hai nền kinh tế này cũng có những khác biệt lớn. Đầu tiên, thương mại hàng hóa của Việt Nam vượt quá 200% GDP. Rất ít nền kinh tế trên thế giới, ngoại trừ các quốc gia giàu tài nguyên nhất hay các quốc gia là một thành phố với thương mại đường biển chiếm ưu thế, đã hoặc đang có độ tập trung thương mại như vậy.

Không chỉ mức độ xuất khẩu mà bản chất các nhà xuất khẩu cũng khiến Việt Nam khác với Trung Quốc. Thật vậy, sự kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có vẻ giống Singapore hơn.

Kể từ năm 1990, Việt Nam đã nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình trị giá 6% GDP/năm, cao gấp hơn hai lần mức toàn cầu và cao hơn nhiều so với mức Trung Quốc hay Hàn Quốc từng đạt được.

Khi phần còn lại của Đông Á phát triển và mức lương tại khu vực này tăng lên, các nhà sản xuất toàn cầu bị hấp dẫn bởi chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định ở Việt Nam.

Điều này thúc đẩy sự bùng nổ xuất khẩu. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 137%, trong khi xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng 422%.

Thách thức khoảng cách giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước

Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, khoảng cách giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước ngày càng gia tăng cũng đang gây trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã trở nên quá phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu của các công ty nước ngoài, trong khi các công ty trong nước lại chưa thật sự hiệu quả.

Các công ty nước ngoài có thể tiếp tục phát triển, cung cấp nhiều việc làm và tạo ra sản lượng lớn hơn. Nhưng có những giới hạn trong việc các công ty nước ngoài có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam sẽ cần một lĩnh vực dịch vụ có năng suất và hiệu quả cao. Khi mức sống tăng lên, theo thời gian, Việt Nam có thể trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất nước ngoài và người lao động sẽ cần những cơ hội khác.

Trong khi các công ty nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân đã lên tới 10,25% vào năm ngoái.

Tuy nhiên, việc là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như một loạt các thỏa thuận thương mại và đầu tư khác đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể ưu đãi các nhà sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng có thể hy vọng dựa vào nguồn tăng trưởng khác. Sự bùng nổ kinh tế đã khuyến khích cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tư hay thậm chí là trở về trong nước.

Thành công kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Trong năm ngoái, Việt Nam đã nhận được 17 tỷ USD, tương đương 6% GDP, kiều hối.

Đặt yếu tố đại dịch Covid-19 sang một bên, Việt Nam dường như đang ở trong giai đoạn đầu của việc phấn đấu trở thành một “phép màu” Đông Á về kinh tế. Mặc dù vậy, không có quốc gia nào trở nên giàu có chỉ nhờ kiều hối.

Khi Việt Nam phát triển, việc duy trì tăng trưởng nhanh nhờ xuất khẩu của các công ty nước ngoài sẽ ngày càng trở nên khó khăn, và căng thẳng giữa mở cửa với đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trong nước sẽ trở nên gay gắt hơn.

Tất cả những điều đó khiến cho việc cải cách khu vực tư nhân trong nước và hệ thống tài chính trở nên tối quan trọng