Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững" sẽ được tổ chức vào ngày 5/12 tới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự. Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát khai mạc, tham dự Tọa đàm cấp cao và có bài phát biểu kết luận, bế mạc diễn đàn.
Diễn đàn được chia thành 2 phiên. Trong đó, phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề, chuyên đề 1 về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”; chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Diễn đàn sẽ đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế.
|
Báo động tình trạng mỗi tháng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường
Kỳ Văn
07:06 03/12/2021
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này đã rất "oải". Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp phá sản rất nhiều, kể cả các doanh nghiệp "khỏe". Mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường là con số rất đáng báo động.
Cần thiết có các gói hỗ trợ tiếp theo
Tại cuộc họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững" do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức chiều 2/12, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đưa ra các gói hỗ trợ tiếp theo là rất cần thiết.
Dẫn các ý kiến chuyên gia, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, liều lượng hỗ trợ trong 2 năm tới nếu ở mức làm tăng thêm mỗi năm 1% bội chi GDP là phù hợp, bảo đảm an toàn về nợ công và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Yêu cầu của chính sách hỗ trợ là bảo đảm có tác động nhanh, lan tỏa, liên tục, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả cung - cầu và tập trung vào những ngành kinh tế sẽ tạo ra tác động trực tiếp, lan tỏa.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đưa ra các gói hỗ trợ tiếp theo là rất cần thiết.
Năm 2022 sẽ tập trung cho phục hồi, năm 2023 sẽ tập trung kích thích tăng trưởng. Nguồn bảo đảm sẽ được cân nhắc, bảo đảm tính khả thi và mức độ hấp thụ của nền kinh tế; nguồn vay phải cân nhắc khả năng trả nợ. Quốc hội cũng yêu cầu phải có chương trình quản lý rủi ro, tránh trục lợi chính sách, tránh phân tán, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ.
Đáng báo động về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên là quy mô hỗ trợ phải đủ lớn. Nợ công hiện ở mức 47%, trong khi quy định trần nợ công là 55%. Như vậy vẫn còn dư địa cho các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, cần phải có tính toán kỹ lưỡng. Quy mô theo tính toán khoảng từ 6-8% GDP, không đến mức 10% GDP như các nước khác trong khu vực.
Gói hỗ trợ chia làm 2 loại mục tiêu, mục tiêu ngắn hạn để giải quyết các vấn đề trước mắt; mục tiêu trung hạn và dài hạn hơn để bảo đảm khôi phục và tăng trưởng.
Về ngắn hạn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trọng tâm, trọng điểm là hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ về tài chính như giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính. Trong bối cảnh khó khăn do COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thực sự cần thiết.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này đã rất "oải". (Ảnh: ĐTO)
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này đã rất "oải". Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp phá sản rất nhiều, kể cả các doanh nghiệp "khỏe". Mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường là con số rất đáng báo động.
Cho rằng người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi đại dịch, trong khi họ là một trong những nguồn lực đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế nên, ông Tuấn đề nghị có chính sách hỗ trợ bảo đảm cuộc sống để người lao động vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo lại người lao động. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường lao động để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về dài hạn, phải bảo đảm được những trụ cột cho tăng trưởng, như vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số.
Viện trưởng Bùi Quang Tuấn nhận định, Việt Nam đang bị lệch nhịp so với thế giới. Dự kiến, năm nay, kinh tế nước ta tăng trưởng khoảng 2-3% trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5%. Do vậy, phải rà soát lại các động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, các gói hỗ trợ phải bảo đảm tính hiệu quả và có tác dụng ngay.