Bất động sản công nghiệp nào ghi nhận nhu cầu cao trong 2023?

Admin
Theo ông Thomas Rooney - quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội, nhà xưởng xây sẵn vẫn đang dẫn đầu về nhu cầu trong các loại hình bất động sản công nghiệp năm 2023.

Cục Đầu Tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ là các ngành dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước.

Nhiều ý kiến nhận định, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Trước thông tin này, ông Thomas Rooney - quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp cho rằng, sau khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục trở lại sau COVID-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định.

Savills Hà Nội cho rằng, nhà xưởng xây sẵn vẫn đang dẫn đầu về nhu cầu trong các loại hình bất động sản công nghiệp năm 2023.

Năm 2023, dòng vốn FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản công nghiệp trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh tác động kinh tế - chính trị toàn cầu.

“Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thời gian. Doanh nghiệp cần thêm thời gian để cân nhắc và quyết định. Các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường bất động sản công nghiệp”, ông Thomas Rooney nói.

Đánh giá về các loại hình bất động sản công nghiệp có nhu cầu cao trong năm 2023, ông Thomas Rooney cho rằng nhà xưởng xây sẵn vẫn đang dẫn đầu về nhu cầu. Các doanh nghiệp đều đang tích cực tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh trọng điểm.

Một lĩnh vực cũng ghi nhận có nhu cầu cao trong thời gian qua là kho lạnh. Việt Nam có thị trường thủy sản cực kỳ tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung thực tế của dự án kho lạnh vẫn ở mức thấp.

Về loại hình, một số nhóm ngành có nhu cầu cao đối với bất động sản công nghiệp có thể kể đến như linh kiện điện tử, hoặc như dệt may đang tăng trưởng trở lại ở miền Bắc. Thị trường cũng ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất thiết bị biến tần năng lượng mặt trời và pin mặt trời đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Để Việt Nam có thể tiếp tục thu hút và nâng cao nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp, ông Thomas Rooney khuyến nghị Chính phủ cần bảo đảm chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao để không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực.

Cho đến nay, Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó có giải pháp cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo. Song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều.

Cùng với đó, cần cải thiện cơ sở hạ tầng giúp làm tăng giá trị khi nhà đầu tư xem xét sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Trong tương quan với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã chi khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng (5,8% tổng GDP) nhưng các dự án về đường cao tốc, cảng nước sâu và cảng dịch vụ cần được cải thiện thêm.