Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm giá của hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng trong quý I, đặc biệt giá đất nền tăng 3-5 lần so với thời gian trước.
Tuy nhiên, một số nơi xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy", tức là giá chào bán tăng cao, nhưng lại khó tìm người mua, gây áp lực lên các nhà đầu tư. Trong báo cáo quý 1/2022 của DKRA, tính cả địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh, chưa đến 2.600 căn hộ được tiêu thụ.
Ông Vinh - một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cho biết, sau một thời gian tăng nóng 30 - 50%, có vẻ nhà đầu tư đã "lãi đậm", nhưng tình hình giao dịch tại một số nơi lại đang có dấu hiệu chững lại, khó tìm người mua. Đó là một số khu vực ngoại thành Hà Nội, hoặc một số tỉnh sốt nóng hồi đầu năm ngoái.
Bên cạnh đó, ông Tín - một nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, căn nhà phố thương mại của ông tại một dự án trên khu vực Thạnh Mỹ Lợi theo giá thị trường hiện nay là khoảng 80 tỷ đồng. So với thời điểm mua vào năm 2018, tầm giá này đã tăng gần 50%, nghe thì thấy ham nhưng chào bán từ cuối năm 2021 đến giờ vẫn không tìm thấy khách. “Nhiều khách xem nhà xong chê quá đắt, bán mãi mà không ra dù là đã bán thấp hơn giá thị trường” - ông Tín bày tỏ.
Tương tự, anh Tuấn - một nhà đầu tư có một căn nhà phố mặt tiền tại Tân An, Long An cho biết, năm 2018 anh mua căn này ở một dự án được quảng cáo là nằm gần trung tâm TP.Tân An. So với mức giá 15 triệu/m2 thời điểm mua vào, hiện tại giá nhà phố đang triển khai tại khu vực này vào khoảng 25-30 triệu/m2. Tuy nhiên anh Tuấn rao bán tầm giá 27 triệu/m2 từ cuối năm 2021 đến giờ vẫn không kiếm được khách.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, cả phân khúc nhà ở bình dân và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
Tuy nhiên, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
"Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ" - Ông Khương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khương, trong thời gian tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá.
Để cải thiện tình trạng trên, lãnh đạo HoREA từng kiến nghị Chính phủ tập trung sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó cần đánh thuế cao đối với người sở hữu đất, nhà ở nhưng bỏ hoang không sử dụng để hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ. Với các doanh nghiệp, khi triển khai dự án lên hướng đến thu hút cư dân về ở thực bằng cách chú trọng việc quy hoạch tiện ích, dịch vụ phục vụ nhu cầu ở thực.
Tại buổi trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đầu cơ đất đai, trốn thuế giao dịch đất đai mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị: "Đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất, bởi các trường hợp này không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Đánh thuế cao cũng khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống".