Bất động sản Việt Nam được dự báo có triển vọng rất tích cực

Kỳ Văn
Đánh giá về tiềm năng phát triển bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định, trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro thì bất động sản Việt Nam tăng trưởng bình quân 15%/năm, dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới.
du-bao-bds-1655973200.jpg
Bất động sản Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Ảnh: Internet

Bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng tốt

Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Đồng thời, lĩnh vực này cũng đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Châu Á có nhiều bất ổn thì Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh tương đối về giá và tài nguyên so với các quốc gia trong khu vực. Giá bất động sản tại Việt Nam liên tục tăng.

Ông Trương Trí Vĩnh, Phó Tổng thư ký thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản thường được nhìn như là một sản phẩm đầu cơ, lại không chú ý đến nó như một hàng hóa bình thường. Nhìn ở góc độ này thì bất động sản ở trung hạn đang thiếu hụt; cùng với các nhà đầu tư đang tìm nơi trú ẩn an toàn cho các dòng tiền. Ở dài hạn, quá trình hình thành các đô thị mới dẫn dắt quá trình tăng giá. Đây là những lý do bất động sản Việt Nam liên tục tăng.

"Thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ tính năng động và có nhiều động lực phát triển nhất Châu Á. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đâng diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng", ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh cũng cho biết thêm, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ. Hiện cả nước có 44 triệu người ở khu vực đô thị, chiếm 45% dân số. Dự báo, đến năm 2025, dân số tại khu vực đô thị có thể đạt đến 52 triệu người, chiếm 50% dân số với khoảng 1.000 đô thị. Dự báo giai đoạn 2050 – 2070, tỉ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70 – 75% dân số.

Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển. Trong giai đoạn 2020 – 2030 nhu cầu đất xây dựng đô thị vào khoảng 400.000 ha năm 2020 lên đến 450.000 ha vào năm 2025. Diện tích đất đô thị trung bình 85-90 m2/người. Nhà ở đô thị bình quân đạt trên 15-20 m2/người. Đường quốc lộ tăng thêm 5.000km. Đường cao tốc tăng hơn 4 lần, từ 1,163km lên 5,000km. Thêm 6 sân bay và 1 cảng biển quốc tế.

Tương tự, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Thành viên hội đồng chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Hiện có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản (hệ số lan tỏa từ 0,5 – 1,7 lần). Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều nhất gồm xây dựng; du lịch; lưu trú; tài chính – ngân hàng.

Bên cạnh đó, bất động sản đóng góp vào GDP và nền kinh tế (năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP).

"Bất động sản còn góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ngành này đang xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% vốn FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 5/2022 tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 65 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký", TS. Lực thông tin.

Nhiều rào cản cho sự phát triển

Ông Trương Trí Vĩnh nhìn nhận, bên cạnh những kết quả khả quan thì ngành bất động sản cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh.

Theo ông Vĩnh, bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất. Việc bán nhà có thể mất hàng tháng và thường không có cách nào để nhận được số tiền đó nhanh chóng. Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, rào cản gia nhập thị trường quá cao với hầu hết mọi người, vì tài sản quá đắt, đang ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào bất động sản. Các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

"Rủi ro của ngành bất động sản đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phi tài nguyên đất", ông Vĩnh cho hay.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện vẫn còn rất nhiều rào cản, hạn chế trong kinh doanh bất động sản. Đó là nhu cầu của khách hàng tăng, công nghệ thay đổi nhanh chóng. Trong khi các doanh nghiệp hoạt động theo hướng truyền thống và ít đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số.

"Bên cạnh những rào cản trên thì khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhất thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác; niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian vun đắp; kết nối giữa chủ đầu tư với trung gian tài chính... còn yếu", TS. Lực nói.