Bình Dương: Loạt doanh nghiệp dính sai phạm về đất đai

Admin
Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại tỉnh Bình Dương. Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
binh-duong-loat-doanh-nghiep-dinh-sai-pham-ve-dat-dai-1684052751.jpg
Khu nhà ở thu nhập thấp Tân Bình giai đoạn 2. Ảnh: Internet

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, UBND tỉnh đã cho phép thực hiện ở một số dự án không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ).

Điển hình: Dự án Khu nhà ở Đường sắt, diện tích 4,8ha tại phường Dĩ An; Dự án Chung cư Khu nhà ở An Bình, diện tích 2,98ha tại phường An Bình (TP Dĩ An), cả 2 dự án này là quy hoạch đất sản xuất kinh doanh nhưng UBND Bình Dương đã cho phép chuyển mục đích từ loại cây lâu năm, cây hàng năm khác sang loại đất ở đô thị là không phù hợp với QHSDĐ.

Một số dự án như: Dự án Khu nhà ở Tân Long 2 do Công ty Địa ốc Phú Thọ làm chủ đầu tư (CĐT), Dự án Khu nhà ở Nam Long 3 do Công ty Bất động sản Nam Long Bình Dương làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp (không có quyền sử dụng đất ở) được phép đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, là chưa thực hiện đúng Điểm c, Khoản 2, Điều 22, Luật Nhà ở năm 2014.

Về tiền ký quỹ đảm bảo, giai đoạn năm 2015-2017, có 147 dự án phải ký quỹ đầu tư, số tiền ký quỹ bảo đảm 92,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng không yêu cầu các chủ đầu tư ký quỹ, việc này là một trong những nguyên nhân chủ đầu tư chậm triển khai dự án.

Một số dự án sau khi được chấp thuận chủ trương, một thời gian dài chủ đầu tư không triển khai nhưng tỉnh Bình Dương không xử lý hoặc xử lý không nghiêm, gây lãng phí tài nguyên đất, khiến người dân trong khu vực có dự án gặp khó khăn, thiệt thòi và gia tăng khiếu nại, khiếu kiện.

Về quản lý quỹ sử dụng nhà, đất công sản

Một số nhà, đất công sản dôi dư sử dụng, chuyển nhượng chưa đúng quy định.

UBND tỉnh thu hồi các cơ sở nhà đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy, sau đó cho Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ tại Quyết định 1939/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định tại Điều 118, Luật Đất đai 2013 và vi phạm quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với 4 trụ sở cũ: Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh, mặc dù đã thực hiện đấu giá đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, Sở Tài chính không tổ chức xác định lại giá khởi điểm trình UBND tỉnh phê duyệt lại để làm căn cứ qua các lần tổ chức đấu giá, chỉ căn cứ vào thẩm định giá đầu tiên để tăng dần ở lần 2, lần 3 và lấy giá khởi điểm lần 3 làm cơ sở giá khởi điểm lần 4. Hơn nữa, theo quy định, chứng thư thẩm định giá chỉ có hiệu lực thời hạn không quá 6 tháng, nhưng Sở Tài chính đã sử dụng chứng thư của năm 2015 làm căn cứ cho đấu giá năm 2017.

Nhiều dự án sai sót trong thẩm định giá, phân lô, tách thửa, xây dựng trái quy định

Việc xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số dự án như: Khu nhà ở Nam Long 2, Nam Long 3, Khu nhà ở Đức Phát 3, Khu nhà ở Bình Thuận II, Khu nhà ở thương mại Sabinco Tương Bình Hiệp… còn nhiều thiếu sót, vi phạm, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

sai-pham-1684052788.jpg
Khu dân cư Nam Long 3 trước đây từng bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xử phạt hành vi xây dựng không phép. Ảnh: Internet 

Một số dự án có điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thay đổi hệ số sử dụng đất nhưng UBND tỉnh Bình Dương không xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh. Đơn cử, Khu nhà ở Nam Long 3, UBND tỉnh cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, từ xây dựng nhà ở để bán sang hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà; Khu nhà ở Bình Thuận 2, chủ trương ban đầu có xây dựng nhà ở xã hội nhưng do không thuộc đối tượng bắt buộc nên được cho phép bằng tiền nhưng UBND tỉnh Bình Dương không xác định lại giá đất.

Ngoài ra, Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Land tại TP Tân Uyên do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Land làm CĐT (tổng diện tích 49.613,9m2) được UBND thị xã Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên) cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 làm tăng 644,9m2 diện tích đất ở, nhưng cơ quan thuế chưa xác định giá đất tại thời điểm điều chỉnh để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 7, Điều 2 Nghị định 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số dự án nhà ở thương mại chưa đủ điều kiện mua bán tài sản hình thành trong tương lai; chưa hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng CĐT vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng.

Điển hình, Dự án Khu nhà ở Tân Long 2 do Công ty Địa ốc Phú Thọ làm CĐT, Dự án Khu nhà ở Nam Long 3, do Công ty Nam Long Bình Dương làm CĐT, Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Tân Bình (giai đoạn 1, 2) do Công ty Lê Phong làm CĐT…

Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai phạm về phân lô, tách thửa, xây dựng trái phép trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương. Đặc biệt là các địa phương: TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng… trong một thời gian dài lãnh đạo các địa phương này đã để xảy ra nhiều sai phạm, diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất, phạm vi.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa, xây dựng trái phép, không phép. Đề nghị UBND tỉnh thực hiện thanh tra chuyên đề để phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý theo quy định. Chỉ ra được những sai phạm về tài chính, có biện pháp truy thu tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.