Mất tiền vì không xác minh thông tin
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn trình báo của anh V.Q.D. (trú phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài), về việc anh bị đối tượng hack Facebook cá nhân và nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để mượn tiền, nhờ chuyển tiền...
Anh D. cho biết, nhiều bạn bè của anh nhận được tin nhắn messenger của anh gửi đến với nội dung tài khoản ngân hàng bị lỗi, nhờ chuyển tiền hộ vài triệu đồng vào số tài khoản của một người tên Tran Thanh Vu.
Bạn bè cảnh giác yêu cầu điện thoại trực tiếp mới chuyển khoản nên đối tượng không lừa được. Tuy nhiên, mẹ ruột của anh do tin tưởng đã “sập bẫy” và chuyển khoản 5 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng này gửi đến.
Đầu tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước, nhận tin báo của chị L.T.T.N. (SN 1991, ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về việc bị các đối tượng hack tài khoản Facebook.
Sau đó, các đối tượng lừa nhiều bạn bè của chị N. và chiếm đoạt số tiền 55 triệu đồng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước đã vào cuộc điều tra.
Qua theo dõi đối tượng hack Facebook, cán bộ chiến sĩ của phòng xác định đây là nhóm đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, nhưng không phải trên địa bàn tỉnh Bình Phước mà ở tỉnh Quảng Trị.
Cán bộ chiến sĩ vụ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước nhanh chóng lên đường ra Quảng Trị, phối hợp cùng Công an địa phương bắt được Nguyễn Đức Thủy (20 tuổi, ngụ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và Nguyễn Xuân Quý (22 tuổi, ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan công an, 2 đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, sử dụng đường link hack tạo trên internet gửi tin nhắn qua messenger nhờ bình chọn kèm đường link cho nhiều người để hack tài khoản.
Khi người nhận truy cập đường link để bình chọn sẽ dẫn đến trang web có giao diện "tài năng nhí”, để tham gia bình chọn phải điền đầy đủ thông tin đăng nhập tài khoản Facebook, lúc này các đối tượng sẽ lấy được thông tin đăng nhập sử dụng cho việc hack tài khoản Facebook.
Sau khi hack xong, các đối tượng nghiên cứu mục tin nhắn messenger, xem cách thức chủ tài khoản nhắn tin với bạn bè, người thân rồi giả làm chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.
Từ tháng 1/2022 đến khi bị bắt, nhóm này đã hack hơn 300 tài khoản Facebook của nhiều người ở các tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt khoảng 1,2 tỷ đồng.
Người dân cần đề cao cảnh giác
Từ những vụ án do Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước khám phá thời gian qua, cho thấy những vụ Facebook bị hack diễn biến phức tạp. Người dân cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng này.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận tin nhắn chuyển tiền nên kiểm tra kỹ, gọi điện thoại, trao đổi trực tiếp xác nhận đúng người cần giao dịch.
Hạn chế giao dịch với tài khoản không chính chủ. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao theo số điện thoại: 0693.460.505 để kịp thời ngăn chặn và được hướng dẫn giải quyết.
Bên cạnh đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước cảnh báo, các thủ đoạn của đối tượng thường dùng được chia thành 3 nhóm cơ bản.
Nhóm 1, giả mạo thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan Nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán) để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân. Giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân).
Nhóm 2, chiếm đoạt tài khoản, như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, tống tiền…
Nhóm 3 nhóm lừa đảo sẽ kết hợp các hình thức, sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên.
Để dẫn dụ nạn nhân, các đối tượng thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS. Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu view, câu like và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo…
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook. Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram. Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại.
Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo. Thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản. Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân. Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về pháp luật nói chung và quy định của Luật An ninh mạng nói riêng.