Theo Bộ Xây dựng, ngày 16/8/2021, Bộ đã ban hành Thông tư số 09 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung về: điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; phương pháp xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; mẫu hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2021, Bộ đã đã ban hành nhiều văn bản, chính sách mới tác động đến lĩnh vực xây dựng, BĐS.
Ngày 26/8/2021, Bộ Xây dựng ban hành văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BXD về việc hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99 ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung về phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015 của Chính phủ.
Ngày 31/8/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu, giá xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
Ngày 7/9/2021, Bộ Xây dựng ban hành văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BXD về việc hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo đó, Quy chế này áp dụng đối với nhà chung cư có mục đích để ở và nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp dùng để ở và sử dụng vào các mục đích khác (bao gồm căn hộ dùng để ở, cơ sở lưu trú du lịch, công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và các công trình khác) theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, bao gồm: Nhà chung cư thương mại; Nhà chung cư xã hội; Nhà chung cư phục vụ tái định cư; Nhà chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước đã được cải tạo, xây dựng lại; Nhà chung cư sử dụng làm nhà ở công vụ.
Trao đổi với Tiền Phong mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện Bộ cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023.
Trong đó, sẽ đề xuất cần bổ sung các quy định về các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở, về việc ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội để góp phần giảm áp lực về nguồn cung nhà ở, hạn chế tình trạng thiếu cung, tăng giá nhà ở không hợp lý.
“Nếu được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trong thời gian tới thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ khắc phục được các hạn chế đang xảy ra như hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh BĐS nói chung, hoạt động kinh doanh nhà ở nói riêng một cách công khai, minh bạch hơn và sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”, ông Khởi thông tin.