Công văn nêu rõ: Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong những tháng gần đây, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025 so với năm 2024, đã có một số trường hợp người bệnh tử vong liên quan đến bệnh sởi.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, phân luồng, thu dung, điều trị kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện nghiêm Công điện số 116/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng Y tế các Bộ chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý: Tiếp tục thực hiện xây dựng, rà soát, cập nhật Kế hoạch phòng chống bệnh sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.
Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa, đơn vị hồi sức tích cực, hoặc đơn vị, giường hồi sức tích cực trong khoa Bệnh truyền nhiễm và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc đề nghị hỗ trợ chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện điều chỉnh quy mô giường bệnh, bổ sung nhân lực phù hợp và theo đúng quy định hiện hành, để đáp ứng công tác điều trị, giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo. Đặc biệt, hạn chế số lượng người thăm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thủ trưởng Y tế các Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức đào tạo, tập huấn triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 1019/QĐ-BYT ngày 26-3-2025, đặc biệt nhấn mạnh những điểm cập nhật mới trong hướng dẫn.
Đồng thời, chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện công tác khám, chữa bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các hướng dẫn liên quan. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám, chữa bệnh và công tác dự phòng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp truyền thông đa dạng (như qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage, hướng dẫn trực tiếp), để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, hiệu quả của tiêm vaccine phòng ngừa sởi. Tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo người nhà người bệnh, người nghi mắc sởi, người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan bệnh như đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi…
PV (t/h)