TTCK phát triển giúp đa dạng kênh tiếp cận vốn cho DN
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MB) nhận định: để thúc đẩy thị trường phát triển và tăng khả năng tiếp cận vốn DN thường là yếu tố kinh tế vĩ mô. Trong năm 2023, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, ban hành chính sách kích thích người dân, DN, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức độ cao so với tình hình chung của thế giới.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và FDI tăng trưởng nhanh, khoảng 32%; tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp là 2,28%, tín dụng tăng trưởng ở mức 13,7%, tỉ giá ổn định. Như vậy đã thúc đẩy TTCK với mức tăng của VN-Index đạt 12% vốn hóa tăng gần đến 4%.
Song song với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban, ngành có giải pháp nâng hạng thị trường, chuẩn hóa các cơ sở của hệ thống giao dịch trái phiếu, trên cơ sở đó xử ý các vấn đề, các vụ việc của TTCK, giúp cho TTCK phát triển minh bạch.
"Chúng tôi đánh giá đây là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình thu hút vốn cũng như thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu", Chủ tịch MB nói.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chia sẻ: Trong xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng Net Zero vào năm 2050.
Đến hết 2023, BIDV là một trong các tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường với tổng dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với dư nợ là 57.000 tỷ đồng, với 1.600 dự án của 1.300 khách hàng.
Năm 2023, BIDV đã mở ra kênh huy động vốn mới, làm tiền đề gia tăng năng lực cung ứng vốn xanh cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu xanh. Đợt phát hành với quy mô 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA), đưa BIDV thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước...
Đại diện một DN niêm yết, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) khẳng định: REE đã thành công với mô hình cổ phần hóa và niêm yết, là nguồn động viên cho các DN khác tiến bước theo. TTCK không chỉ là nơi "tôi luyện" cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan mà còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực, qua đó họ có thể vươn lên để giữ cho giá trị cổ phần không ngừng được gia tăng.
Thông qua thị trường này, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển.
"REE luôn đặt đúng tầm trách nhiệm cho các vấn đề nhà đầu tư quan tâm và hiểu rằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các DN phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao", bà Nguyễn Thị Mai Thanh khẳng định.
Khẩn trương gỡ vướng để nâng tầm thị trường
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB nêu 4 vấn đề kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu và tăng khả năng tiếp cận vốn của DN.
Thứ nhất, tăng quy mô của thị trường. Hiện nay quy mô của TTCK chiếm khoảng 56-58% GDP các nước đang phát triển, chúng ta ở mức khá, do đó, vấn đề đầu tiên là tăng được quy mô của thị trường. Vấn đề thứ hai là tăng số lượng hàng hoá cũng như tăng số lượng và chất lượng các DN tham gia niêm yết. Vấn đề thứ ba là tăng số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường thông qua các giải pháp. Cuối cùng, nâng cấp được các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu MB nêu một số khuyến nghị.
Cụ thể, cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các DN niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các DN lớn, các DN tiềm năng tham gia TTCK. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các DN niêm yết để giúp các DN có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.
Tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các DN trên thị trường.
Là ngân hàng tiên phong trong trái phiếu xanh, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV thẳng thắn cho rằng: Hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho DN phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh. Lãnh đạo BIDV đề xuất một số kiến nghị để khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh, thông qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam.
Cụ thể, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp thuận tiện cho DN trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn. Cần ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh...
Hỗ trợ, khuyến khích DN chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ DN phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế…
Cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh như xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu (ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…)...
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capita Việt Nam nêu một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán. Trước tiên là là không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn.
Cần không ngừng củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư. Niềm tin của nhà đầu tư chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Dưới góc nhìn từ tổ chức phát hành, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) nêu một số kiến nghị. Trước tiên, các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên TTCK, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này. Vấn đề mấu chốt với DN là vấn đề tài chính, công nghệ, năng lực quản lý là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài.
Do đó, cần tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và DN tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật.
Về lãi suất ngân hàng, lãnh đạo REE kiến nghị cần làm sao lãi suất cho các DN về mức hợp lý hơn.
Về vấn đề khai thuế và nộp thuế, đại diện REE cho rằng, cần công bằng hơn, có nghĩa là ai kinh doanh đều phải tự giác khai nộp thuế.
Anh Minh