Cận Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản diễn biến ra sao?

Kỳ Văn
Nhiều môi giới khẳng định, càng sát Tết Nguyên đán lượng giao dịch càng ít đi, thậm chí gần như là không có. Ở góc độ nhà đầu tư cho rằng đây là thời gian người mua đang giữ tiền để chờ chớp thời cơ và chưa vội xuống tiền.
can-tet-1642505917.jpg

Theo anh Nguyễn Khải - Chủ phòng giao dịch bất động sản tại Bắc Giang, kể từ tháng 10 khi hết giãn cách xã hội lượng lớn nhà đầu tư ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội tiếp tục đổ về khu vực nay xem, giao dịch đất.

“Mặc dù sau giãn cách thị trường ở Bắc Giang có phục hồi hơn trước nhưng không thể bằng đầu năm 2021 được. Đến nay, lượng giao dịch cũng đã ít, gần như không còn. Nếu khoảng tháng 11, một tuần văn phòng tôi có thể có khoảng 5 - 7 giao dịch thì giờ ngồi cả tuần cũng không có giao dịch nào”, anh Khải nói.

Người môi giới này cho biết, không chỉ riêng năm nay mà thời gian cách 1 tháng lượng giao dịch cũng đều ít đi. Bởi, thời gian này nhà đầu tư chưa vội xuống tiền mà tiếp tục theo dõi biến động của thị trường và lựa chọn khu vực.

Do đó, anh Khải và những người đồng nghiệp cùng văn phòng của anh cũng đã nghỉ Tết sớm chờ đợt sóng mới sau kỳ nghỉ.

Tương tự, anh Thanh Tùng - Môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: “Nhà đầu tư nào đang còn đất thì cũng không kịp bán để hoàn tất giao dịch. Còn người mua tiếp tục giữ tiền chờ cơ hội mới nên văn phòng của tôi cách đây khoảng 2 tuần cũng không có giao dịch mới nào. Tôi đang làm nốt một số thủ tục trước đó cho khách hàng rồi cũng nghỉ Tết luôn”.

Cận Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản diễn biến ra sao? - Ảnh 1.

Ở góc độ nhà đầu tư, anh Nguyễn Văn Hải - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, tháng cận Tết thường các giao dịch thành công sẽ không có nhiều, điều này cũng xuất phát từ tâm lý giữ an toàn cho dòng vốn.

“Thường các môi giới sẽ thường bơm thổi tháng cuối năm là tháng mua sắm nhà cửa, đất đai. Nhưng theo tôi quan sát nhiều năm thì đây không phải sự thật và lượng giao dịch thành công trong thời gian này sẽ có rất ít”, anh Hải khẳng định.

Theo nhà đầu tư này giải thích, đối với người nhu cầu mua ở thực nếu vào thời điểm tháng cuối cùng dù có mua được thì có thể việc chuyển vào nhà mới vẫn phải lùi tới sang năm. Do đó, khi đã tới thời điểm này họ sẽ để qua năm cũ cho đỡ vội và cũng có thời gian để cân nhắc lựa chọn căn hộ phù hợp.

Còn đối với nhà đầu tư, thời gian này khá “nhạy cảm” cho việc xuống tiền mua vào hoặc bán ra. “Rất khó có thể đoán thị trường sau Tết Nguyên đán sẽ ra sao có thể sẽ sôi động hoặc chững lại. Nên kể cả người bán và người mua thời gian này sẽ tiếp tục giữ tiền để nghe ngóng chờ thời cơ.

Cùng đó, mặc dù lượng nhà đầu tư F0 năm vừa qua đổ bộ thị trường nhiều nhưng trải qua đợt dịch vừa rồi họ cũng đã nâng cao tính cảnh giác, không vội vàng xuống tiền như trước mà tiếp tục tính toán. Do đó, nhóm nhà đầu tư này cũng để sau Tết Nguyên đán nghe ngóng tình hình nếu thị trường sôi động sẽ tham gia vào lướt sóng”, anh Hải nhận định.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cho biết, thời gian trước Tết Nguyên đán lượng quan tâm về bất động sản sẽ tăng lên, nhiều khu vực vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư tới xem nhưng sẽ không xuống tiền ngay.

“Thời gian này nhà đầu tư sẽ đi xem và nghe ngóng từng khu vực và đưa ra các dự đoán cho năm tiếp theo. Do đó, lượng giao dịch trong thời gian này có giảm và giá đất cũng đứng im, thị trường bắt đầu hạ nhiệt hơn không còn tình trạng tăng nóng như tháng 10, 11 âm lịch nữa”, anh Hải chia sẻ.