Cặp đôi VHM và VRE giúp chứng khoán Việt Nam hãm đà rơi trong phiên chiều 4/9

Lực cầu bắt đáy ở một số mã bluechip, đặc biệt là cặp đôi VHM và VRE giúp chứng khoán Việt Nam hãm đà rơi trong phiên chiều 4/9 trong bối cảnh các thị trường trong khu vực lao dốc.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Bắt nguồn từ đà bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Âu, Mỹ lao dốc mạnh trong phiên tối qua (3/9), kéo theo chứng khoán Châu Á lao dốc theo trong phiên hôm nay (4/9). Trong đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,24%, Kospi của Hàn Quốc mất 3,15%... Các thị trường khác dù có mức giảm khiêm tốn hơn, nhưng sắc đỏ bao trùm.

Chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh (4/9), chứng khoán Việt Nam cũng bị nhuộm đỏ, VN-Index giảm hơn 15 điểm, số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng.

Khi xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm, đà giảm đã bị chặn lại, VN-Index hồi phục lên trên 1.276 điểm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo sợ trước những biến động mạnh của thị trường khu vực nên bán ra, khiến VN-Index quay đầu nới rộng đà giảm. Mặc dù vậy, một lần nữa ngưỡng 1.270 điểm đã phát huy vai trò là ngưỡng hỗ trợ tốt cho thị trường.

Bước vào phiên giao dịch chiều, ngưỡng 1.270 điểm một lần nữa được thử thách và giống như phiên sáng, VN-Index đã đứng vững. Với điểm tựa vững chắc này, dòng tiền có vẻ tự tin hơn khi tham gia bắt đáy ở một số mã bluechip, qua đó kéo VN-Index hồi dần lên trên ngưỡng 1.275 điểm khi đóng cửa phiên với mức giảm chỉ còn hơn phân nửa của đầu phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 8,07 điểm (-0,63%), xuống 1.275,8 điểm với 117 mã tăng và 313 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 648,4 triệu đơn vị, giá trị 15.718,7 tỷ đồng, tăng 13,5% về khối lượng và 16,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,3 triệu đơn vị, giá trị 1.959,4 tỷ đồng.

Góp công lớn giúp VN-Index hãm đà giảm hôm nay đến từ một số mã bluechip, trong đó đáng kể nhất là cặp đôi cổ phiếu họ nhà Vin là VHM và VRE khi cả 2 khởi sắc, lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa. Trong đó, VHM tăng 2,41% lên 42.500 đồng, khớp 13,81 triệu đơn vị, VRE tăng 2,6% lên 11,53 triệu đơn vị, khớp 11,53 triệu đơn vị. Trong khi đó, “anh cả” không thể có sắc xanh, mà chỉ hãm đà giảm ở mức tối thiểu là 0,45% xuống 44.000 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị, mức giảm thấp nhất trong 23 mã giảm của rổ VN30.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số mã bluechip khác như GAS tăng 0,72% lên 83.900 đồng, CTG tăng 0,71% lên 35.300 đồng, khớp 10,45 triệu đơn vị, VNM tăng 0,45% lên 74.300 đồng, khớp 2,84 triệu đơn vị, BID tăng nhẹ 0,1% lên 48.950 đồng, khớp 1,97 triệu đơn vị. Các mã này đóng góp cho VN-Index hơn 2 điểm hôm nay.

Ở chiều ngược lại, SSB là mã giảm mạnh nhất rổ VN30 khi mất 3,65% xuống 18.500 đồng, khớp 2,61 triệu đơn vị, đây cũng là mã giảm mạnh nhất nhóm ngân hàng. Tiếp đến là PLX giảm 3,29% xuống 47.000 đồng, khớp 2,54 triệu đơn vị; VPB giảm 2,37% xuống 18.500 đồng, khớp 23,33 triệu đơn vị; HDB giảm 2,17% xuống 27.100 đồng, khớp 5,52 triệu đơn vị. Các mã giảm hơn 1,5% có MSN, SSI, BVH, MBB, GVR, POW; các mã giảm từ 1-1,5% có MWG, FPT, TPB, SHB, STB và TCB. Các mã còn lại giảm nhẹ. Chốt phiên, VN30-Index giảm 13,81 điểm (-1,04%), xuống 1.317,71 điểm.

Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng ngoài CTG và BID, chỉ có thêm một sắc xanh nhạt khác là EIB với mức tăng 0,27% lên 18.600 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ có 3 sắc xanh nhạt tại FTS, CTS và BSI, trong khi mã giảm mạnh nhất là VDS giảm 2,82% xuống 20.700 đồng.

Nhóm thép lại không có sắc xanh nào, trong đó mã giảm mạnh nhất là SMC giảm 3,69% xuống 10.450 đồng; 2 mã trong nhóm dẫn dắt cũng giảm mạnh là HSG giảm 2,4% xuống 20.300 đồng và NKG giảm 2,06% xuống 21.350 đồng; mã đầu ngành HPG chỉ giảm 0,98% xuống 25.250 đồng.

Trong khi đó, nhóm bất động sản - xây dựng tích cực hơn. Ngoại trừ VHM, nhóm này còn có nhiều sắc xanh, trong đó HBC có phiên giao dịch đầy hứng khởi trước khi tạm biệt sàn HOSE (ngày 5/9 là ngày giao dịch cuối cùng của HBC trên HOSE) với mức tăng 5,21% lên 5.450 đồng. PDR cũng có phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng 3,94% lên 22.400 đồng, VCG cũng tăng 2,66% lên 19.300 đồng…

Ở chiều ngược lại, SGR giảm kịch sàn xuống 39.100 đồng sau thông tin chuyển từ lãi thành lỗ sau kiểm toán và cổ phiếu bị các công ty chứng khoán loại ra khỏi danh mục margin. Trên thị trường, trước khi bị bán mạnh hôm nay, cổ phiếu này đã có chuỗi tăng ấn tượng giữa tháng 8 với mức tăng từ 25.500 đồng lên 42.000 đồng trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9, tương ứng tăng 64,7%.

Trên sàn HNX, cả chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều có diễn biến khá tương đồng với VN-Index khi hồi phục dần vào cuối phiên, hãm đà giảm gần phân nửa so với mức đáy.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,42 điểm (-0,6%), xuống 236,14 điểm với 60 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,5 triệu đơn vị, giá trị 1.035,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 73,9 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,44%), xuống 93,75 điểm với 118 mã tăng và 145 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,3 triệu đơn vị, giá trị 532 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Top 5 mã thanh khoản tốt nhất HNX có khối lượng khớp trên 2 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất CEO tăng giá 3,11% lên 16.600 đồng, còn lại đều giảm. CEO khớp 8,07 triệu đơn vị, đứng sau SHS khớp 8,52 triệu đơn vị, nhưng SHS đóng cửa giảm 2,44% xuống 16.000 đồng. Tiếp sau 2 mã này là MBS khớp hơn 3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,79% xuống 27.500 đồng; PVS khớp 2,82 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,98% xuống 40.400 đồng; TNG khớp 2,13 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,57% xuống 23.500 đồng.

Trên UPCoM, tất cả các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị không có mã nào đóng cửa tăng giá, có 4 mã giảm và 3 mã đứng giá. Trong đó, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 8,18 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,51% xuống 23.300 đồng. Tiếp đến là OIL khớp 4,46 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,61% xuống 14.900 đồng. Các mã còn lại khớp từ hơn 1 triệu đơn vị đến gần 1,4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 VN30F2409 giảm 18,7 điểm (-1,40%), xuống 1.314 điểm với 174.577 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị tương ứng 22.920,4 tỷ đồng; khối lượng mở 49.461 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay thanh khoản khá tốt với 13 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã do ACBS phát hành, 3 mã do HSC phát hành, số còn lại đều do SSI phát hành. Mã CMBB2315 do SSI phát hành là mã duy nhất có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị (2,54 triệu), đóng cửa giảm 5,63% xuống 1.510 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có khối lượng giao dịch gần 9,6 triệu đơn vị, tổng giá trị 3.214,8 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là DPQ12204 do Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc phát hành với gần 1,08 triệu đơn vị, giá trị 108,24 tỷ đồng. Kế tiếp cũng là một mã trái phiếu khác do doanh nghiệp này phát hành là DPQ12207 với 742.548 đơn vị, giá trị 75,27 tỷ đồng. Còn xét về giá trị, mã TCX12403 của Chứng khoán Kỹ thương là mã có giá trị giao dịch lớn nhất với 503,74 tỷ đồng, tương ứng 4.957 đơn vị. Tiếp đến là HTA12301 của Hưng Thịnh Phát với 410,39 tỷ đồng, tương ứng 4.203 đơn vị.

Hà Trần (t/h)