Chủ đầu tư Dự án Tân Bình Apartment chia sẻ nguyên nhân khởi kiện khách hàng

Admin
Chủ đầu tư Dự án Tân Bình Apartment cho rằng “cực chẳng đã” phải tiến hành khởi kiện khách hàng vì thực hiện đúng các quy định pháp luật và nhằm “loại bỏ” hành vi trục lợi chính sách xã hội.

z2527652248953a757becf94d7244ce2b6e7ca8a0d857e-w1920-h1775.jpg

Dự án Tân Bình Apartment sắp bàn giao cho khách hàng

Liên quan thông tin về việc một số khách hàng mua căn hộ Dự án Tân Bình Apartment (32 Hoàng Bật Đạt, Phường 15, quận Tân Bình, T HCM) tố chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình (Công ty Tân Bình) “lật lọng” sau khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng lại chủ động nộp đơn khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) đề nghị tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Phía Công ty Tân Bình cho biết, công ty luôn đặt lợi ích hợp pháp của các khách hàng lên hàng đầu, “cực chẳng đã” nên mới khởi kiện.

Tuy nhiên, công ty chỉ muốn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội và nhằm “loại bỏ” những hành vi gian dối nhằm trục lợi chính sách xã hội để hưởng lợi cá nhân mà làm mất đi cơ hội mua nhà, chỗ ở của những người lao động nghèo, chưa có nhà.

Theo công ty này cho biết, Dự án Tân Bình Apartment vốn là dự án nhà ở thương mại nhưng theo lời kêu gọi của Chính phủ về đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, Công ty Tân Bình đã chuyển đổi 1 phần từ dự án thương mại sang dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó, khi chuyển từ nhà ở thương mại sang xã hội thì Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho phép tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần.

Do trong quá trình vừa triển khai thi công vừa làm thủ tục điều chỉnh, nhận thấy dự án có thể bàn giao không đúng với tiến độ đã cam kết nên ngày 4/6/2017, Công ty Tân Bình đã tổ chức buổi đối thoại với khách hàng và đi đến thống nhất ký thêm Phụ lục hợp đồng mua bán với nội dung: Khách hàng đồng nhất cùng với chủ đầu tư trình các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thành việc điều chỉnh thủ tục pháp lý dự án; Chủ đầu tư cam kết với sự hỗ trợ thiện tình từ khách hàng thì chậm nhất đến ngày 30/11/2017 sẽ bàn giao căn hộ, nếu không chủ đầu tư sẽ phải chịu các điều khoản phạt…

Theo chủ đầu tư, sau đó một nhóm khách hàng đã căng băng rôn, khiếu kiện đông người nhằm cản trở việc hoàn thiện các thủ tục của dự án. Nhận được thông tin, các cơ quan chức năng đã rất thận trọng trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý, liên tục tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ dự án.

“Sau đó, nhóm khách hàng này khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài về việc chậm bàn giao và đã có phán quyết yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, dự án đi vào bế tắc trong việc bàn giao, có nguy cơ phá sản. Trước bối cảnh ấy, chủ đầu tư phải rà soát kỹ lại toàn bộ thủ tục pháp lý, hồ sơ của nhóm khách hàng khởi kiện và nhận thấy đối với hợp đồng mua nhà ở xã hội tại Dự án Tân Bình Apartment các khách hàng này có dấu hiệu gian dối hồ sơ để được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội như: có lương cao, có sở hữu nhà đất…”, đại diện Công ty Tân Bình cho biết.

Cũng theo đại diện Công ty Tân Bình, đối với hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, do thời điểm ký chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và chủ đầu tư đã bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt, đến nay chưa có điều kiện khắc phục vì bị khiếu kiện và cấm các hoạt động xây dựng, kinh doanh trong thời gian dài. Chính vì thế, để đảm bảo các quy định của pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội và nhằm “loại bỏ” những hành vi gian dối trục lợi chính sách, "cực chẳng đã" công ty mới phải tiến hành khởi kiện một số khách hàng, đề nghị Trung tâm Trọng tài (VIAC) tuyên bố hợp đồng mua bán giữa công ty với khách hàng vô hiệu.

Ngày 20/5/2021, căn cứ Khoản 1 Điều 8, Khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Điều 117, 122, 123 Bộ luật Dân sự năm 2015, VIAC đã tuyên một hợp đồng mua bán thương mại giữa công ty và một khách hàng vô hiệu theo các quy định của pháp luật.

Sau khi có phán quyết, Công ty Tân Bình cho rằng sẽ nghiêm túc thực hiện hoàn trả tiền ngay cho các khách hàng và sẵn sàng bồi thường các thiệt hại phát sinh theo quy định nếu có phán quyết của cơ quan thực thi pháp luật.

Về dự án chậm tiến độ, Công ty Tân Bình cho rằng nhóm khách hàng nhận thấy “kẽ hở” của Phụ lục hợp đồng nên đã lôi kéo khiếu kiện đông người đến các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm gây khó khăn trong việc hoàn thiện pháp lý dự án, để “vừa được nhận nhà vừa được hưởng một khoản tiền bồi thường”.

Bên cạnh đó, nhóm khách hàng trên khởi kiện ra VIAC yêu cầu bồi thường về việc chậm bàn giao nhà và yêu cầu cơ quan thi hành án phong tỏa toàn bộ tài sản dự án, tài sản của cá nhân, ngăn chặn xuất nhập cảnh với các lãnh đạo công ty có liên quan. Mặt khác, nhóm khách hàng tiếp tục khiếu kiện đến cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư phải sớm bàn giao nhà. Thế nhưng, khi chủ đầu tư cho thi công nhằm hoàn thiện các hạng mục thì lại liên tục bị khiếu kiện đông người đến Sở Xây dựng để ngăn cản. “Hai mong muốn và mục đích mâu thuẫn, trái ngược nhau càng dẫn đến dự án rơi vào bế tắc, không có giải pháp tháo gỡ, dự án tiếp tục bị chậm tiến độ”, đại diện Công ty Tân Bình nói.

Theo Công ty Tân Bình, hiện nay, chủ đầu tư đang bám sát chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn thiện các thủ tục và sớm thi công để bàn giao nhà cho các khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Theo Tâm Phúc (Conglyxahoi.net.vn)

Link bài gốc:

https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/nguyen-nhan-chu-dau-tu-du-an-tan-binh-apartment-kien-khach-hang-84355.html

Huy Hùng (T/H)