Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Những khó khăn của tín dụng bất động sản nếu không gỡ sẽ không kịp

Admin
Theo HoREA, nếu không kịp thời sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN tại thời điểm này thì kể từ ngày 1/9/2023, sẽ có nhiều trường hợp tổ chức tín dụng không cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trong kiến nghị phát đi khuya 16/8 gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để góp phần cùng "chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững".

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Những khó khăn của tín dụng bất động sản nếu không gỡ sẽ không kịp - Ảnh 1.

HoREA đề nghị sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN càng sớm càng tốt. Ảnh: Quốc Hải

Sớm tháo gỡ khó khăn tín dụng bất động sản và trái phiếu

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu không kịp thời sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN tại thời điểm này thì kể từ ngày 1/9/2023 (Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực), sẽ có nhiều trường hợp hoạt động đầu tư, góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hoặc để bù đắp tài chính nhưng tổ chức tín dụng không cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

"Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023 bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay khiến các doanh nghiệp bất động sản phản ứng. Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp", ông Châu khẳng định.

Cụ thể, ông Châu dẫn chứng, ngay trong ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản "khẩn" về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đề nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ban hành ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023, báo cáo lại Thủ tướng trước ngày 20/8/2023.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Những khó khăn của tín dụng bất động sản nếu không gỡ sẽ không kịp - Ảnh 2.

Thủ tướng cũng giao các bộ ngành nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN. Ảnh: Quốc Hải

"Sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cho phù hợp cũng là để thực hiện quan điểm của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ yêu cầu "Tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" và thực hiện Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ về chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ "chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả", ông Châu nói thêm.

Kiến nghị sửa gì ở Thông tư số 06/2023/TT-NHNN?

Theo ông Lê Hoàng Châu, một trong các quy định của Thông tư 06 là yêu cầu tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn thực hiện Dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay".

Tuy nhiên, phân tích sâu vào quy định này, Chủ tịch HoREA cho rằng, quy định trên chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định phải đảm bảo "điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh" thì mới được giao dịch và thực hiện "thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai".

Bởi lẽ, sau khi chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền "chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng" thì đây là thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án. Tại thời điểm này dự án đã có đủ pháp lý thuộc "giai đoạn thực hiện dự án", nhưng "chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh", chưa được huy động vốn của khách hàng.

Nếu dự án "đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" thì chủ đầu tư "không dại gì" đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Bởi lẽ tại thời điểm này, chủ đầu tư đã được phép "mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai", được huy động vốn từ khách hàng là nguồn vốn "rẻ nhất, hiệu quả nhất" do không bị áp lực phải trả lãi, trả vốn gốc, mà chỉ cần sớm hoàn thành dự án để bàn giao nhà cho khách hàng…

Theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước xem xét nên sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho "chuẩn", bởi lẽ dự án bất động sản, dự án PPP thì chỉ cần "đủ pháp lý" chứ không phải là "đủ kiều kiện kinh doanh" như Thông tư 06 quy định, để các tổ chức tín dụng dễ hiểu, dễ làm và các chủ đầu tư không gặp trở ngại khi đề xuất vay vốn.

Ngoài ra, để tạo điều kiện về sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động ngắn hạn của các tổ chức tín dụng, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT -NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) theo hướng gia hạn thêm 12 tháng.