Chưa bao giờ cụm từ "giải cứu bất động sản" xuất hiện nhiều như hiện nay

Admin
Theo TS Cấn Văn Lực, chưa bao giờ cụm từ "hỗ trợ", "giải cứu thị trường bất động sản" xuất hiện nhiều như hiện nay. Nó cho thấy sự bất thường của thị trường bất động sản (BĐS) có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế.

Ngày 25/2, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức tọa đàm "Điểm sáng về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam".

Tại tọa đàm, các nhóm vấn đề được tập trung phân tích là những vướng mắc, vốn, pháp lý và sự mất cân đối trong cấu trúc thị trường BĐS thời gian vừa qua đang ảnh hưởng đến nền kinh tế.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Chia sẻ tại sự kiện, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chưa bao giờ cụm từ "hỗ trợ", "giải cứu thị trường BĐS" xuất hiện nhiều như hiện nay. Nó cho thấy sự bất thường của thị trường BĐS có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế. Nhưng theo TS Cấn Văn Lực, gần đây, cả cơ quan quản lý, giới nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp nhìn nhận thị trường BĐS có vai trò quan trọng, tác động đến nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô.

Để tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực BĐS, TS Lực cho rằng, cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế và tiếp cận đa chiều và đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn.

Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải toả, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường.

Sau hàng loạt cuộc họp của Chính phủ thì các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn. Có thể thấy những động thái của chính quyền TP Hồ Chí Minh khi trong tuần qua có đến 3 cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS.

Về vốn cho thị trường BĐS, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120 ngàn tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110 ngàn tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư BĐS.

Còn về vốn tín dụng cho lĩnh vực BĐS, TS Cấn Văn Lực đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Việc này có thể gây ý kiến trái chiều vì nhiều ngành cũng ở hoàn cảnh cần cơ cấu nợ. Trong khi chuyên gia này không ủng hộ nới room tín dụng cho lĩnh vực BĐS, vì năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho BĐS đã tăng trưởng 24,2% thì năm nay không thể cao hơn. Vấn đề của BĐS là tắc ở trái phiếu doanh nghiệp.

“Dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường BĐS, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A. Tôi kiến nghị nên cho phép, vì việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật. Doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng tài trợ 30%", TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vướng mắc ở đất khu công nghiệp, tiền thuê đất, thuế… muốn nộp cũng không được vì địa phương sợ trách nhiệm, không dám làm. Vai trò của địa phương vô cùng quan trọng, cho nên cuộc họp trực tuyến toàn quốc vừa qua giữa Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp BĐS là cú hích rất lớn cho các địa phương, doanh nghiệp phải vào cuộc.

Cuối cùng, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần hiểu đúng thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Ở đây không phải Chính phủ bỏ rơi doanh nghiệp BĐS! Bỏ rơi thì sao lại phải tổ chức họp trực tuyến toàn quốc, bỏ rơi thì làm sao lại có hàng loạt chỉ đạo về chính sách tín dụng, về tài khóa, về giãn, hoãn thuế, về cơ cấu nợ, về chấn chỉnh thị trường trái phiếu… Ý của Thủ tướng là doanh nghiệp cần nhìn nhận thẳng thắn những gì đã làm được, những gì chưa làm được để rút kinh nghiệm. Đó là cơ cấu thị trường mất cân đối và chúng ta đã làm vượt quá năng lực".

Sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm gỡ vướng cho thị trường bất động sản khiến các chuyên gia dự báo, từ cuối quý III/2023 thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, Chính phủ đã có những hành động cụ thể, tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, tạo động lực cho thị trường BĐS.