Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các Khoa học Trái đất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2009, các nhà khoa học thực hiện bản đồ phân vùng rủi ro động đất của TP.HCM.
![]() |
Một chung cư ở TP.HCM bị bong gạch lát nền sau rung chấn trưa ngày 28/3. |
Kết quả cho thấy, nền địa chất khu vực này yếu và rất phức tạp. Tại khu vực của thành phố Sài Gòn cũ, nền địa chất chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của thành phố, các khu vực mở rộng sau này có nền địa chất yếu hơn, nhiều nơi từng là các bãi đầm lầy với nền địa chất rất yếu, nhất là khu vực phía nam và đông nam của thành phố.
PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, nền địa chất yếu, kết hợp với việc gia cố nền móng chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể khiến các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau khi rung chấn xảy ra.
Trước đó, trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar trưa 28/3 đã gây rung chấn cho nhiều công trình cao tầng ở TP.HCM dù cách tâm chấn trận động đất đến 1.700 km. Các nhà khoa học lý giải, cường độ trận động đất mạnh, tâm chấn nông kết hợp với nền địa chất yếu khiến TP.HCM cảm nhận rõ rung lắc.
Theo thông tin báo chí, sau trận động đất, hơn 300 hộ dân đang sinh sống tại một chung cư ở phường 16, quận 8, TP.HCM phản ánh căn hộ của họ xuất hiện nhiều vết nứt tường, nền gạch bị bong tróc sau ít giờ vụ động đất tại Myanmar xảy ra.
PGS Cao Đình Triều chia sẻ thêm, TP.HCM là nơi có đứt gãy sông Sài Gòn hoạt động với cường độ yếu. Động đất mạnh nhất ở đây ít khả năng vượt quá 5 độ. Tuy nhiên, dọc đới đứt gãy này, nền địa chất khá yếu. Vì vậy, các công trình xây dựng cần phải rất chú ý đến kết cấu nền móng.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, thời gian tới, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần làm lại bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất và đánh giá rủi ro động đất.
Tại Mỹ, cứ 2-5 năm, các bản đồ này được cập nhật lại nhằm đánh giá nguy cơ rủi ro và có biện pháp ứng phó. Trong khi đó tại Việt Nam, khoảng 10 năm trở lại đây, bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất chưa được cập nhật số liệu.
![]() |
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội và TP.HCM cần sớm cập nhật bản đồ phân vùng rủi ro động đất. |
TS Xuân Anh chia sẻ thêm các công trình xây dựng sau 5-10 năm đã cũ đi, hay các công trình xây mới đều cần được cập nhật lại số liệu, tính toán để đánh giá những công trình nào có nguy cơ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng mức độ như nào nếu động đất xảy ra.
Ở những khu vực động đất nguy hiểm thì cần đánh giá sự ảnh hưởng của động đất đến công trình xây dựng, nguy cơ đá lăn từ các sườn núi.
"Việc kiểm tra, đánh giá rất quan trọng giúp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Ông cho biết thêm, khi thực hiện cập nhật bản đồ phân vùng rủi ro động đất, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về đứt gãy, khảo sát địa chấn, địa chất kiến tạo, tính toán lại các thông số.
Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương có thể đưa ra phương án kháng chấn phù hợp cho các công trình xây dựng, đồng thời phục vụ cho việc thực hiện quy hoạch đô thị.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, tại TP.HCM, bản đồ phân vùng rủi ro động đất được thực hiện từ năm 2009, cách đây 16 năm nhưng đến nay chưa cập nhật lại, trong khi thành phố có sự thay đổi nhiều trong 16 năm qua, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng với nhiều cao ốc mọc lên.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.