Với diễn biến của USD trên thế giới và tỷ giá trong nước, các chuyên gia cho rằng, USD sẽ là kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất năm nay.
Chuyên gia nêu lý do, đồng USD có thể là kênh đầu tư kém hấp dẫn trong thời gian tới. Ảnh internet.
Tính đến cuối tuần qua, tỷ giá VND/USD bán ra trong nước chỉ tăng khoảng 0,6% so với đầu năm. So với diễn biến của USD trên thế giới (giảm 4,8% so với đầu năm), tỷ giá trong nước hạ nhiệt có phần chậm hơn. Tuy nhiên, với diễn biến lãi suất thời gian gần đây, việc gìm tỷ giá đứng im 3 tháng đầu năm là sự nỗ lực lớn của nhà điều hành.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, năm 2025, tỷ giá được hỗ trợ bởi cán cân thương mại thặng dư khoảng 20-25 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng khoảng 18%, kiều hối tăng trưởng ổn định... Theo đó, tỷ giá năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 3%, thay vì mức gần 5% năm 2024.
“Năm 2024, VND mất giá gần 5% chủ yếu do USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế, song năm nay tình hình đã khác. Những rủi ro về chính sách thương mại, thuế quan khiến tiêu dùng Mỹ chậm lại, các chỉ số vĩ mô của Mỹ yếu đi… dẫn tới Chỉ số USD Index giảm. Thêm vào đó, năm nay, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần. Tỷ giá trong nước năm nay về cơ bản không chịu nhiều áp lực, cả năm chỉ tăng khoảng 3-4%”, Tiến sỹ Lực thông tin.
Chuyên gia nêu lý do, đồng USD có thể là kênh đầu tư kém hấp dẫn trong thời gian tới. Ảnh internet.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch quản lý dòng tiền chặt chẽ, trong đó có việc sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý, để giảm tối đa chi phí đầu tư, kinh doanh.
Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay, đồng thời mở rộng tín dụng hơn so với năm ngoái. Thông thường, mỗi khi lãi suất giảm, tỷ giá sẽ chịu áp lực tăng lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ giá vẫn ổn định, dù lãi suất liên tục đi xuống.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM nêu quan điểm, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở, từ đó trung hòa áp lực với tỷ giá.
Thực tế, từ ngày 5/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng hút tiền trên thị trường tín phiếu. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang bơm thanh khoản vào hệ thống nhiều hơn, kỳ hạn bơm tiền cũng dài hơn (lên tới 3 tháng), nhằm cung cấp nguồn vốn ổn định cho các ngân hàng thương mại. Điều này khiến lãi suất VND giảm, nhưng tỷ giá không gặp áp lực.
Một nguyên nhân nữa khiến tỷ giá không gặp áp lực là lãi suất liên ngân hàng vẫn được neo cao, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng. Tính đến cuối tuần qua (ngày 14/3), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn cho vay qua đêm ở mức 4,3%. Như vậy, lãi suất VND và USD đang xấp xỉ nhau, ngăn chặn tình trạng tổ chức tín dụng đầu cơ ngoại tệ.
Chuyên gia nêu lý do, đồng USD có thể là kênh đầu tư kém hấp dẫn trong thời gian tới. Ảnh internet.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica phân tích: Năm 2025, tỷ giá trong nước vẫn chịu nhiều áp lực. Lộ trình giảm lãi suất của Fed có thể chậm lại so với kỳ vọng (khả năng chỉ cắt giảm 2 lần). Việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng trong nước cũng gây sức ép lên lạm phát. Nguy cơ xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ khiến thặng dư thương mại không được dồi dào như dự kiến, đồng nghĩa cung ngoại tệ giảm. Phục hồi kinh tế chậm lại có thể khiến dòng vốn đầu tư, dòng kiều hối vào Việt Nam bị ảnh hưởng…
Dù vậy, năm nay, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam rất sáng nhờ quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là tăng trưởng của khu vực xuất khẩu và khu vực đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, NHNN cũng thể hiện quyết tâm giữ được tỷ giá ổn định. Do đó, biến động tỷ giá năm nay sẽ không lớn bằng năm 2024.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sắp tới, NHNN sẽ có thêm giải pháp giúp nhóm Big 4 giảm chi phí, từ đó cắt giảm thêm lãi suất. Hiện nhóm này nắm giữ gần 50% thị phần huy động và cho vay, một khi nhóm Big 4 này giảm sâu lãi suất, thì mặt bằng lãi suất toàn thị trường sẽ giảm theo.
Đối với tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, năm nay, với nguồn lực hiện có (dự trữ ngoại hối hiện có và triển vọng lạc quan của xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, kiều hối), NHNN tin tưởng sẽ giữ được tỷ giá ổn định. Do đó, người dân không nên găm giữ, đầu cơ ngoại tệ. “Không cần giữ ngoại tệ trong nhà hay tài khoản, hãy mạnh dạn bán cho ngân hàng”, Phó Thống đốc khuyến nghị.
PV (t/h)