Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà

Admin
Khi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đến rất gần, những người lao công như chị Ngô Thị Quang lại âm thầm thức trọn đêm để dọn sạch các đống rác thải ngổn ngang trên vỉa hè, lòng phố Hà Nội.

Tết đặc biệt của nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường

Đêm cuối năm trước khi cả nước đón chào Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cũng như thường ngày, chị Ngô Thị Quang, tổ trưởng tổ môi trường 5, Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội – chi nhánh Đống Đa lại cùng nhiều nhân viên khác tất bật công việc thu dọn rác ngổn ngang trên vỉa hè, lòng phố.

Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà - Ảnh 1.

Chị Ngô Thị Quang đã gắn bó với công việc vệ sinh môi trường 20 năm qua. Chị ở phòng chờ trước giờ bắt tay vào công việc. Ảnh: Gia Khiêm

Những ngày này, càng về khuya nhiệt độ giảm sâu khiến chị Quang thêm thấm lạnh. Chị bảo làm việc liên tục người nóng toát mồ hôi nhưng cứ dừng tay hoặc chờ đợi xe chở rác đến bốc chuyển đi thì rét thấu xương. Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Quang kể đã gắn bó với công việc này suốt 20 năm qua. Từng đấy thời gian chị đón giao thừa ngoài đường với vô số kỷ niệm đáng nhớ.

Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà - Ảnh 2.

Chị Quang miệt mài thu dọn rác ngổn ngang trên vỉa hè, lòng phố. Ảnh: Gia Khiêm

"Với mọi người giao thừa là thời khắc đón chào chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới, cùng nhau quây quần bên gia đình, người thân. Mọi người cùng đi xem bắn pháo hoa đón chào năm mới. Tuy nhiên, với những công nhân môi trường như chúng tôi thì vào những ngày đó công việc bộn bề", chị Quang chia sẻ.

Công việc đặc thù bận là thế nhưng những lao công như chị Quang có cách đón giao thừa rất đặc biệt. Năm nào chị cũng được phân công làm nhiệm vụ thu gom rác tại khu vực hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Đây cũng là điểm tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới. Chính vì thế cảm xúc của chị cùng nhiều công nhân khác không bao giờ quên.

Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà - Ảnh 3.

Bữa tối hiếm hoi của của chị Quang cùng những lao công ngày cuối năm. Ảnh: NVCC

"Vào thời điểm đó, cảm xúc của tôi rất vui và hồ hởi. Tôi được nhìn thấy nhiều người tấp nập đi xem pháo hoa. Đến 12h không ai được cầm chổi xẻng, 12h30 mới được cầm bởi không được xông đất sớm, làm gì thì làm cũng phải qua giờ đó. Mọi người xem bắn pháo hoa xong ra về thì lúc đó tiếp tục công việc của mình", chị Quang cười.

Chuyện ấm lòng của những lao công ngày Tết

Cứ thế, công việc của nữ lao công luôn tay luôn chân đến rạng sáng. Chị cùng nhiều công nhân khác đẩy xe gom bê 140 thùng pháo đưa ra điểm tập kết để chuyển đi.

"Thùng pháo rất nặng nên mỗi lần xe chỉ đẩy được 3-4 thùng. Ngày hôm đó riêng công việc này cũng khiến anh chị em toát mồ hôi. Dọn thùng pháo xong mọi người tiếp tục quét dọn đường phố đến khi sạch bóng rác trở về nhà nghỉ ngơi cũng đã 3-4h sáng", chị Quang tâm sự.

Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà - Ảnh 4.

Công việc vất vả nhưng chưa bao giờ chị Quang nghĩ sẽ bỏ cuộc. Ảnh: Gia Khiêm

Công việc vất vả là thế nhưng những công nhân như chị Quang thêm ấm lòng khi đêm 30 Tết được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng một số cơ quan, đoàn thể đến thăm, chúc Tết.

"Có lúc đang đi làm có anh chị em, các cháu ra mừng tuổi tôi thấy vui lắm. Những lúc như vậy bao mệt nhọc gần như tan biến hết", chị Quang nói rồi chia sẻ, sau khi hoàn thành công việc chị mới về nhà để làm cơm cúng giao thừa.

"Trong suốt 20 năm qua chỉ duy nhất 1 năm tôi đón giao thừa ở nhà nhưng cũng rơi vào tình cảnh vô cùng đặc biệt. Năm 2007 trong lúc đi quét rác ở đường Nguyễn Chí Thanh tôi bị một thanh niên lái xe ngủ gật tông gãy chân. Năm đó tôi phải nghỉ làm mất 11 tháng. Đến giờ chiếc đinh đóng ở chân vẫn còn. Còn lại bao năm qua tôi vẫn chào đón năm mới ngoài đường", chị Quang cho hay.

Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Ngọc Anh đã có 8 năm đón giao thừa ngoài đường. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng như chị Quang, chị Nguyễn Ngọc Anh (31 tuổi, quê Hải Dương) 8 năm gắn bó với công việc làm công nhân môi trường cũng từng đó thời gian chị chưa được về quê đón giao thừa cùng gia đình, người thân.

"Tết năm nào cũng vậy chồng tôi lại đưa con về quê. Còn tôi thì vẫn tiếp tục công việc như những ngày thường. Vào ngày này được đi làm còn đỡ buồn chứ ở nhà trọ buồn tủi, nhớ nhà, cảm giác khó tả lắm", chị Ngọc Anh kể.

Chuyện về nữ lao công 20 năm đón giao thừa ngoài đường, tiết lộ 1 năm "đặc biệt" ăn Tết ở nhà - Ảnh 6.

"Có lúc đang đi làm nhiều người đi qua gửi lời chúc mừng năm mới, có người dừng xe lại lì xì 20.000 đồng cùng lời chúc Tết tôi thấy ấm áp vô cùng", chị Ngọc Anh nói. Ảnh: Gia Khiêm

Theo chị Ngọc Anh, trong suốt những năm đón giao thừa ngoài đường chị nhớ nhất Tết năm 2020. "Đúng hôm giao thừa ấy Hà Nội xảy ra mưa đá, tôi đang làm việc ngoài đường mưa không kịp chạy. Hôm đó người ướt sũng vừa lạnh vừa đáng nhớ", chị Ngọc Anh hồi nhớ lại.

Vào dịp năm mới, với những công nhân như chị chỉ cần lời động viên của người dân như chúc mừng năm mới, chia sẻ công việc với mình thôi chị cũng cảm thấy vui rồi. "Có lúc đang đi làm nhiều người đi qua gửi lời chúc mừng năm mới, có người dừng xe lại lì xì 20.000 đồng cùng lời chúc Tết tôi thấy ấm áp vô cùng. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục công việc của mình", chị Ngọc Anh tâm sự.

Tiếp lời chị Ngọc Anh, chị Quang trải lòng, công việc này vất vả lại thiếu nhân lực nên gần như cả năm chị không có ngày nghỉ. "Nghĩ lại nhiều lúc cũng nản khi thiếu người làm quá nhưng yêu nghề nên tôi luôn động viên bản thân cố gắng. Mấy tháng không có ngày nghỉ, nhà có việc cũng không nghỉ được.

Mình phải cố gắng thì anh chị em mới cố gắng cùng mình được, nếu mình bỏ cuộc thì chị em bỏ hết. Công việc bận tới đâu thì bận, tôi có thể ra muộn chứ chưa đùn đẩy công việc của mình cho ai. Có những hôm 3-4h sáng vẫn lang thang nhặt thảm cỏ là chuyện bình thường. Đó là công việc của mình, tôi vẫn làm", chị Quang trải lòng.

Trong dịp năm mới, chị Ngọc Anh mong tất cả mọi người đều khoẻ mạnh, cuộc sống sung túc. Còn với cá nhân chị mong luôn có sức khoẻ để được đi làm và chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình.