Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được đánh giá là ngành có nhiều triển vọng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 6 và 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm so với các tháng trước đó, chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại; gỗ và các sản phẩm gỗ; giầy dép các loại; dây điện và cáp điện… cũng giảm.
Cho rằng sự đóng góp của các DN công nghiệp chế biến, chế tạo vào GDP vẫn còn khiêm tốn, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chỉ ra, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng, chủ yếu bằng sức lao động trong khi hàm lượng chất xám không nhiều.
“Đặc thù của ngành công nghiệp này yêu cầu tập trung vốn và công nghệ, nhưng đây lại là 2 điểm yếu của DN Việt Nam, do quy mô vừa và nhỏ cùng hạn chế về nguồn lực. Điều đó khiến năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế”, bà Hương phân tích.
Ngoài ra, theo bà Hương, đối với các DN nói chung, khi tham gia FTA các dòng thuế sẽ giảm về mức 0-5%. Tuy nhiên, với DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhất là DN điện tử, việc hưởng mức thuế suất này đã có trước khi Việt Nam tham gia FTA nên tác động không lớn khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo chia sẻ của ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý năng suất chất lượng (PNQ Solutions Co., Ltd.), đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Giờ đây, các DN mà đặc biệt là các DN chế biến, chế tạo phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng. “Đối mặt với những thách thức chưa từng có đó, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn cho các nhà sản xuất, đó là vấn đề mang tính quyết định sự “tồn tại” trong tương lai của các DN”, ông Thắng chỉ rõ.
Chính sách không chỉ nằm trên giấy tờ
Để giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam nắm bắt được những cơ hội phát triển bền vững hơn, ông Huỳnh Trung Hiếu, đại diện Công ty Delta - nhà tư vấn và cung cấp giải pháp toàn cầu cho rằng, sau đại dịch, các ngành sản xuất của Việt Nam cần thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về IOT, robot để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất. DN cần định hướng về tự động hóa công nghiệp cho các nhà máy, đáp ứng nhiều quy mô sản xuất khác nhau với quy trình sản xuất tinh gọn và hiệu quả thiết thực.
“Các DN cần cải thiện năng suất với hệ sinh thái hoàn chỉnh về cả phần cứng và phần mềm, thông qua công nghệ tự động hóa tiên tiến và các giải pháp sản xuất thông minh. Sự tinh gọn trong sản xuất, độ bền cũng như độ tin cậy về các cấu kiện công nghiệp trong dây chuyền quản lý sản xuất là một trong những yếu tố thiết yếu”, ông Hiếu nói.
Cơ hội để phát triển đối với công nghiệp chế biến, chế tạo là rất lớn, song theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương, việc nắm bắt được cơ hội hay không vẫn phụ thuộc năng lực của DN và cơ chế chính sách. Hiện Chính phủ đã gần như “mở toang” các cơ chế hỗ trợ cho DN hoạt động, bản thân DN phải nâng cao năng lực nhưng các DN vẫn trông chờ các chính sách thực sự đi vào đời sống không chỉ nằm trên giấy tờ.
“DN rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các DN rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đây là ngành khắc nghiệt, đòi hỏi trình độ kiến thức cao, trong khi thu nhập chưa chắc đã hấp dẫn so với các lĩnh vực khác. Về tài chính, các DN cần ngay chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng cũng như các nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước cũng như các thiết chế tài chính khác”, bà Hương đề xuất.
Bên cạnh đó theo bà Hương, DN còn mong muốn được hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp nhận công nghệ. Dù Chính phủ đã có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhưng lại có quá nhiều quy định, cơ chế “bó chân” DN. Nhiều DN dù thực sự có nhu cầu đổi mới công nghệ nhưng rất khó tiếp cận chính sách này.
Đồng thời, các DN cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc; đồng thời đưa ra điều kiện cơ bản để các DN FDI có sự lan toả, tạo nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những “mắt xích” then chốt hơn./.