Đang khát vốn, vì sao Apec Group lại tích cực mua lại trái phiếu?

Admin
Không chỉ thu hồi các trái phiếu “Happybond.H” sai quy định, Apec Group gây bất ngờ khi mua lại hàng loạt lô trái phiếu khác. Trong bối cảnh cần nguồn vốn triển khai loạt dự án, động thái này của Apec Group không khỏi dấy lên nhiều băn khoăn.

Ngày 6/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Tập đoàn Apec Group 600 triệu đồng do có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau quyết định này của UBCKNN, Apec Group đã thực hiện hoàn trả và mua lại một loạt các trái phiếu họ “Happybond.H”. Đáng chú ý, từ tháng 5/2022 – tháng 8/2022, Apec Group đã thực hiện mua lại 89,5 tỷ đồng các trái phiếuAPGCH2223003, APGCH2122009, APGCH2123005, APGCH2124002, APGCH2124001, APGCH2225005, APGCH2123007.

Tính từ tháng 11/2021–tháng 8/2022, Apec Group đã phát hành thành công 13 đợt trái phiếu, với tổng dư nợ trái phiếu (sau khi mua lại) hiện là 109,39 tỷ đồng. Đây đều là các lô trái phiếu có kỳ hạn 1-3 năm, lãi suất từ 10-13%/năm và phần lớn do CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương tổ chức tư vấn, đăng ký, lưu ký trái phiếu.

Thêm cả số dư nợ trái phiếu của một số đơn vị có liên hệ là CTCP Apec Finance (131,9 tỷ đồng –lãi 8%/năm), dư nợ trái phiếu nhóm Apec Group khoảng hơn 241 tỷ đồng.

Tập đoàn Apec Goup được thành lập ngày 24/11/2017, tiền thân là CTCP BG Group.Trên thị trường bất động sản, Tập đoàn Apec Group gây chú ý với nhiều dự án lớn. Hiện doanh nghiệp đang triển khai loạt dự án như: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Apec Mandala Wyndham Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Aqua Park Bắc Giang, Điềm Thuỵ Center Point, Cụm công nghiệp Apec Đa Hội, Apec Dubai Ninh Thuận.

Trong bối cảnh cần nguồn vốn triển khai loạt dự án, hơn thế nữa, Apec Group sẵn sàng trả lãi suất cao để huy động vốn, nên động thái liên tục mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp này không khỏi dấy lên nhiều băn khoăn.

apec-group-1670636422.jpg  

Tiềm lực của Apec Group

Điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 153 quy định doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính 6 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán (nếu có); báo cáo tài chính chưa kiểm toán được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận các số liệu; Điểm b và điểm c điều khoản này quy định doanh nghiệp phải công bố tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

Tuy vậy, cả Apec Group và Apec Finance đều không công bố các báo cáo kể trên theo quy định.

Một dữ liệu cho thấy Apec Group các năm gần đây không phát sinh doanh thu, nhưng vẫn có lãi.

Theo dữ liệu của PV, 3 năm đầu tiên sau khi thành lập, Apec Group không ghi nhận doanh thu, bước sang năm 2020 doanh thu công ty đạt khoảng 7 tỷ đồng, và tăng lên hơn 27 tỷ đồng vào năm 2019.

Đi kèm với sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận Apec Group cũng khởi sắc qua từng năm. Từ 5 triệu đồng năm 2018, 68 triệu đồng năm 2019, hơn 1 tỷ đồng năm 2020, 10 tỷ đồng năm 2021.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả Apec Group nhảy cóc từ hơn 2 triệu đồng năm 2018 lên đến 1.149 tỷ đồng 3 năm sau đó (năm 2021). Trong khi đó, kết thúc năm 2021 vốn chủ sở hữu Apec Group đạt 1.012 tỷ đồng.

Trong khi đó, các pháp nhân thuộc hệ sinh thái như CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (HNX: API), CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (MCK: IDJ, sàn HNX), CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (MCK: APS, sàn HNX) đều có KQKD quý III/2022 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong quý III/2022, API ghi nhận doanh thu hơn 131,4 tỷ đồng, giảm 46% so với quý III/2021. Lãi ròng 15,1 tỷ đồng, giảm 65%. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu API đạt 707,6 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng gần 66 tỷ đồng, giảm 8,3%.

Tương tự, lãi ròng IDJ quý III/2022 đạt 55,2 tỷ đồng, giảm hơn 2,6%. Với APS, lãi ròng công ty chứng khoán này quý III chỉ vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 97 tỷ đồng.

APS từng để lại dấu ấn với thị trường chứng khoán với 2 báo cáo khuyến nghị mua cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái là API và IDJ. Theo đó, APS thời diểm tháng 11/2021 khuyến nghị nhà đầu tư mua vào 2 cổ phiếu trên với giá mục tiêu sau 1 năm lần lượt là 148.000 đồng/CP và 136.000 đồng/CP.

Tính đến phiên giao dịch 9/12, thị giá API là 12.500 đồng/CP (+9,6%); IDJ đạt 10.300 đồng/CP (+9,6%).

Huy động vốn qua app

Ngoài huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, nhóm Apec Group còn “gom” tiền thông qua những khoản đầu tư nhỏ lẻ từ app tài chính.

Thành viên của Apec Group là Apec Finance đã cho ra mắt ứng dụng Abond để huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp.

apec-group-huy-dong-von-1670636453.png  

Ứng dụng này có các sản phẩm như: Asaving với lãi suất lên đến 13% với kỳ hạn đa dạng từ 12 tới 60 tháng; CashUp tích lũy với lãi suất không kỳ hạn tới 12%/năm; A-Partner là mô hình đầu tư bất động sản vào các dự án của Tập đoàn APEC, nhận cổ tức lợi nhuận từ 50% - 200% trong suốt vòng đời dự án.

Với những lời kêu gọi từ số tiền đầu tư thấp, tính linh hoạt cao, lãi suất vượt trội.. các sản phầm đầu tư của APEC Finance nhanh chóng tạo được sự quan tâm cho dư luận, thế nhưng, đa số các gói sản phẩm kêu gọi đầu tư này lại không có tài sản đảm bảo.

Theo tìm hiểu, để có thể đầu tư vào Apec Finance, nhà đầu tư phải ký hợp đồng Hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Apec Finance. Trong đó có điều khoản: Nhà đầu tư thực hiện tài khoản thông qua nền tảng của Apec Finance và thực hiện góp vốn bằng tiền mặt vào Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Số tiền vốn góp được chuyển vào tài khoản ngân hàng của công ty được cập nhật trên nền tảng Apec Finance. Vốn góp của nhà đầu tư có thể được công ty ủy thác cho đơn vị quản lý đầu tư, thùy theo quyền quyết định của công ty.

Các sản phẩm huy động vốn của Apec Finance không có tài sản đảm bảo. Thay vào đó, khách hàng có thể theo dõi kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp đang niêm yết nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Apec như Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương - Chứng khoán APEC (MCK: APS, sàn HNX), Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (MCK: API, sàn HNX), Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (MCK: IDJ, sàn HNX)... để cập nhật tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Hồi tháng 10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có cảnh báo về một số doanh nghiệp thiết lập các website, app giao dịchsử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.