Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán SSI đánh giá yếu tố mùa vụ (Tết nguyên đán năm 2023 rơi vào tháng 1) đã ảnh hưởng nhiều tới kết quả so sánh vĩ mô đầu năm 2024 với cùng kỳ và do vậy cần phải chờ thêm dữ liệu tháng 2 để có những cái nhìn chính xác hơn về sản xuất và tiêu dùng. Nhìn chung, nền kinh tế vẫn ở trong giai đoạn hồi phục nhưng tốc độ tương đối chậm khi các yếu tố chủ lực như chế biến chế tạo và tiêu dùng vẫn chưa thể sôi động trở lại như trước khi đại dịch. Trong tháng 2, tâm điểm sẽ tập trung vào cầu tiêu dùng nội địa trong dịp Tết Nguyên Đán.
Về thị trường chứng khoán, TTCK Việt Nam có tháng đầu năm khá bận rộn với nhiều thông tin quan trọng được đón nhận. Tâm điểm trong nửa đầu tháng là nhóm Ngân hàng với hàng loạt sự kiện quan trọng. Trong khi đó, những ngày cuối tháng diễn ra trầm lắng hơn với sự chú ý hướng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 và động thái từ cuộc họp chính sách của FED.
Về bức tranh lợi nhuận quý 4, con số tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực kể từ đáy ở quý 4/2022 Tổng LNST toàn sàn (1.130 doanh nghiệp tính đến ngày 5/2) tăng mạnh 35,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,8% so với quý 3 liền trước, qua đó ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 quý. Dù vậy, SSI lưu ý đằng sau con số tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng, cũng có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường vẫn ở giai đoạn ban đầu và vẫn còn nhiều thách thức phía trước trong quá trình hồi phục. Nguyên nhân do quy mô doanh thu không tăng tương ứng, tổng doanh thu toàn thị trường tiếp tục giảm nhẹ; thậm chí biên lãi gộp giảm trong khi lợi nhuận bất thường đến từ các khoản thu nhập khác và thu nhập tài chính tăng mạnh.
Do đó, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2023 phụ thuộc khá nhiều vào mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022, bên cạnh các khoản thu nhập mang tính đột biến, chưa thể hiện sự tăng trưởng đến nhiều từ nội tại của DN. Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn vẫn còn đang tồn đọng, bức tranh BCTC quý cuối cùng của năm 2023 cũng đáng khích lệ khi DN đang trong quá trình tái cơ cấu thích nghi tạo bước đệm cho kỳ vọng hồi phục các mảng kinh doanh cốt lõi trong các quý tới của năm 2024.
Sẵn sàng cho các "nhịp lùi lành mạnh"
SSI dự báo chỉ số VN-Index khả năng sẽ có mức giao động trong vùng 1.160 – 1.210 điểm trong những phiên giao dịch nửa cuối tháng 2 với trạng thái giằng co thường xuyên. Vùng hỗ trợ 1.127-1.130 điểm là vùng hỗ trợ mạnh; trường hợp thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại vùng này và ngược lại nên đưa danh mục về trạng thái an toàn nếu chỉ số không giữ được. Mặc dù vậy, NĐT cần sẵn sàng cho các "nhịp lùi lành mạnh" của thị trường để điều tiết cung cầu (P/E ước tính cho năm 2024 vẫn hấp dẫn trong dài hạn khi duy trì ở mức 10,3 lần - thấp hơn đáng kể so với mức 13,8 lần bình quân 5 năm gần nhất).
"Khi các nhóm ngành chưa đồng thuận tăng trưởng, dòng tiền trong thời gian qua vẫn đang trong nhịp độ xoay vòng và đảo lớp tìm kiếm cơ hội ngắn hạn hơn là việc đón nhận dòng tiền mới vào thị trường", SSI đánh giá.
Về chiến lược đầu tư, "phục hồi" và "tăng trưởng" vẫn sẽ là 2 câu chuyện chính dòng tiền sẽ tìm đến trong giai đoạn tới, đặc biệt với môi trường lãi suất thấp rất trong nước và rủi ro suy thoái từ các nền kinh tế lớn có phần dịu bớt. Các chủ đề đầu tư có thể dựa vào để tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn đầu năm gồm:
(i) Nhóm DN có trạng thái kinh doanh đã tạo đáy hồi phục và giá cổ phiếu hồi chậm hơn mặt bằng chung
(ii) Nhóm duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững ở hoạt động cốt lõi
(iii) Thông tin trong mùa ĐHCĐ với kế hoạch tăng vốn/KHKD mở rộng của các DN sau phục hồi
(iv) Nhóm DN sẽ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ/tài khóa hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ luật mới đang dần hoàn thiện.