Bước chuyển lịch sử trong quản trị Quốc gia

Ngày 1/7/2025 đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình cải cách bộ máy hành chính quốc gia, khi Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp – cấp tỉnh và cấp cơ sở. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước, một cuộc cải tổ toàn diện và sâu rộng được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Theo mô hình mới, toàn bộ thiết chế hành chính được tổ chức lại từ Trung ương đến tận cơ sở. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống còn 34. Số xã, phường, thị trấn giảm từ hơn 10.000 xuống còn khoảng 3.300. Bản đồ hành chính Việt Nam chính thức bước sang một hình hài mới – gọn hơn, tinh giản hơn, hiệu quả hơn.

514422532-1099090305663011-8967534871372437737-n-1751342012.jpg
Lãnh đạo cấp cao cùng bước vào giai đoạn cải cách bộ máy hành chính

Không đơn thuần là việc thay đổi tên gọi hay địa giới hành chính, cuộc cải cách lần này là sự tái cấu trúc toàn diện hệ thống tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước. Nhân sự được sắp xếp lại đồng bộ, quyền lực được phân bổ theo cách tiếp cận hiện đại, linh hoạt và chưa từng có tiền lệ.

Chiều 30/6, danh sách 34 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương đã được công bố. Trong số đó, 27 người không phải là cán bộ tại chỗ. Nhiều người từng giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp trong lực lượng vũ trang hoặc đứng đầu các địa phương khác. Đáng chú ý, có nữ cán bộ lần đầu tiên giữ trọng trách cao nhất tại trung tâm chính trị lớn; có cán bộ trẻ nhưng đã kinh qua nhiều vị trí quản lý phức tạp. Đây không chỉ là sự điều động đơn thuần mà là phép thử quan trọng về năng lực, bản lĩnh, và tư duy đổi mới của đội ngũ lãnh đạo.

514246713-1099142915657750-6785528047926365516-n-1751342012.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thân mật trò chuyện cùng cán bộ, người dân tại Hải Phòng

Cùng với đó, hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương sáp nhập bước vào ngày làm việc đầu tiên trong một trạng thái mới. Không ít người đối mặt với thách thức về khoảng cách địa lý, điều kiện đi lại và thay đổi môi trường công tác. Nhiều trường hợp phải di chuyển hàng trăm kilomet để đến nơi làm việc mới, thậm chí đi về mỗi tuần. Cuộc chuyển đổi này không tránh khỏi xáo trộn, thậm chí có những rơi rụng – điều tất yếu trong mọi cuộc cải cách thực chất.

Những ai quen với đặc quyền hành chính cũ, với vị trí cố định mà không vận động, sẽ cảm nhận rõ sức ép từ sự thay đổi. Những hoạt động phi sản xuất, thao túng đất đai, hay tín dụng dựa trên tài sản ảo… đã và đang bị siết chặt. Từ khi Nghị quyết 57 được ban hành, các dòng vốn được điều chỉnh, ưu tiên chảy về sản xuất, công nghệ và các mô hình kinh tế thực chất – thay vì tiếp tục "nuôi" bong bóng đất đai hay tín dụng rủi ro.

Cuộc cải cách này mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng nếu tiếp tục duy trì mô hình cũ, bộ máy sẽ bị níu kéo bởi chính tư duy trì trệ – điều mà đất nước không thể chấp nhận sau 50 năm thống nhất.

Hôm nay là ngày đầu tiên của một hành trình mới. Không chỉ vì lịch chuyển trang, mà vì cả hệ thống chính trị đã lựa chọn chuyển trạng thái. Không có kết quả nào được định trước. Nhưng đã có những người bắt đầu viết nên chương mới bằng hành động cụ thể – và chỉ có hành động thực chất mới là giấy thông hành để bước vào kỷ nguyên quản trị hiện đại, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

514398167-1099090958996279-5123717800130313099-n-1751342012.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại đơn vị sau sáp nhập hành chính

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm : “Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước, từ vùng cao biên giới đến hải đảo xa xôi, từ thành thị tới nông thôn, hãy tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và tiếp tục hun đúc lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái để tạo nên một khối thống nhất bền chặt - sức mạnh vô địch của Nhân dân ta. Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân."

Thúy Kiều